Thay đổi nhận thức người dân để phát triển xanh, bền vững

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sự gia tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân, đang khiến Hà Nội đứng trước nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường từ khí thải giao thông. Thay đổi nhận thức người dân, hướng tới sử dụng giao thông công cộng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội nhằm giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Gia tăng chóng mặt

Giống như nhiều thành phố đang trong giai đoạn đô thị hóa với tốc độ cao, Hà Nội có tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân chóng mặt. Mặc dù Chính quyền, Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực từng ngày để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, văn hóa giao thông; song những hệ lụy tất yếu của tăng trưởng “nóng” đang khiến thành phố đứng trước nhiều thách thức; trong đó nổi bật là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Theo Sở GTVT TP Hà Nội, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trong thời gian qua trên địa bàn rất lớn, khoảng 10%/năm, trong khi đó kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 đến 4%/năm và quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Điều này khiến cho ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng; đặc biệt, ô nhiễm không khí từ khí thải phương tiện giao thông đang ở mức cao với tỷ lệ trên 70%.

Thay doi nhan thuc nguoi dan de phat trien xanh, ben vung - Hinh anh 1
Hà Nội đang có tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân chóng mặt.  

Cũng theo Sở GTVT TP Hà Nội, đến năm 2025, với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay, dự báo Hà Nội sẽ có khoảng 1,3 triệu ô-tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 sẽ có khoảng 1,7 triệu ôtô và 7,7 triệu xe máy, phương tiện cơ giới cá nhân khi này sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị từ 7,5 lần đến 10,6 lần, các phương tiện giao thông. Mức độ ùn tắc và ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia về môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Như Tiến nhận định, với Hà Nội, việc đô thị hóa ngày càng nhanh, kéo theo phương tiện cá  nhân tăng ở mức cơ học cũng làm cho thành phố đứng trước thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường. Chỉ riêng hiện trạng tắc đường, ô nhiễm không khí cũng thiệt hại cho kinh tế thành phố hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Ngoài tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường cũng sẽ tác động tiêu cực và trực tiếp tới sức khỏe con người.

“Đây là một bài toán khó được đặt ra đối với các cấp lãnh đạo và người dân trên địa bàn TP Hà Nội. Việc cải thiện môi trường cũng như thay đổi ý thức của người dân cần được hành động liên tục trong thời gian dài. Có thể thấy TP Hà Nội đang từng bước thực hiện việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải giao thông bằng các công trình hiện đại như: Sử dụng xe buýt BRT để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, đưa vào khai thác thương mại tàu điện Cát Linh - Hà Đông và mới đây là sự xuất hiện của xe buýt điện trên đường phố. Những công trình thiết thực này được sự ủng hộ đông đảo của người dân TP Hà Nội và đang dần cho thấy hiệu quả rõ rệt” – Thạc sĩ Nguyễn Như Tiến chia sẻ.

Giải pháp trọng tâm

Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường từ sự phát triển của giao thông, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả về tư duy lẫn hành động về phát triển kinh tế xanh đi liền với việc bảo vệ môi trường. Cụ thể bằng Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND TP Hà Nội về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ 37 nhóm giải pháp bao gồm các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế.

Thay doi nhan thuc nguoi dan de phat trien xanh, ben vung - Hinh anh 2
 Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội và Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái VinBus đã tổ chức khai trương 3 tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của thành phố nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến "trải nghiệm xanh", tiện nghi cho người dân.

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, các nhóm giải pháp về cải thiện và phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng tiếp tục được TP Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện hướng tới hình thành một mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức tiên tiến, thân thiện môi trường.

Đây được coi là giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; theo đó bên cạnh việc phát triển và cải thiện mạng lưới, thành phố Hà Nội sẽ tích cực đưa vào hoạt động các xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường.

Mới đây, Sở GTVT TP Hà Nội và Công ty TNHH dịch vụ sinh thái VinBus đã tổ chức khai trương 3 tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Thành phố nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến "trải nghiệm xanh", tiện nghi cho người dân.

Nhằm cụ thể hoá giải pháp này, thông qua hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc và bảo vệ môi trường, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và Công ty TNHH dịch vụ vận tải Sinh Thái Vinbus phối hợp thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Chặng đường xanh”.

Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, Lãnh đạo Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng cho biết: “Đưa phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng điện vào hoạt động là một trong 10 nhóm giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô trong 2022. Với mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện cá nhân, tích cực hướng tới giao thông xanh, văn minh, Hà Nội sẽ từng bước cụ thể hoá mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững”.

Xe buýt điện đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Xe hoàn toàn sử dụng năng lượng điện, không gây tiếng ồn, không tạo ra khí thải, di chuyển êm ái tạo ra sự thoải mái cho hành khách. Với những tiện ích mà phương tiện này đem lại, không lâu nữa sẽ thu hút được số lượng đông đảo người dân sử dụng. Tuy nhiên, để có thể liên tục thu hút cũng như giữ chân hành khách sử dụng phương tiện công cộng, đơn vị vận hành cần liên tục có những cải tiến về phương tiện cũng như sự chuyên nghiệp của nhân viên vận hành. Đồng thời, cần có một hệ thống mạng lưới xe buýt đồng bộ và dễ dàng tiếp cận hơn. 
Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
 

 

 

Tin liên quan