Xe buýt Hà Nội: Thiếu quy hoạch tổng thể

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sáng 22/11, Sở GTVT Hà Nội tổ chức “Hội nghị đối thoại với các DN vận tải về giải pháp nâng cao chất lượng và sản lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt của TP Hà Nội”. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Hội nghị là mạng lưới xe buýt hiện nay vẫn thiếu một quy hoạch tổng thể rõ ràng, bài bản.

Xe buyt Ha Noi: Thieu quy hoach tong the - Hinh anh 1
Trạm dừng đỗ xe buýt trên đường Thái Hà. Ảnh: Hải Linh

Ngăn đà sụt giảm

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho hay, tính đến tháng 11/2018, Hà Nội có 118 tuyến buýt, trong đó: 96 tuyến được trợ giá; 9 tuyến không trợ giá; 12 tuyến kế cận và 1 tuyến City tour. Dự kiến đến hết năm 2018, tổng số tuyến buýt trên địa bàn TP sẽ tăng thêm 14  tuyến (tăng 13%) so với năm 2017. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 453/584 số xã, phường thị trấn (78%). Sản lượng VTHKCC bằng xe buýt 10 tháng đầu năm đạt 370,8 triệu lượt hành khách; dự kiến cả năm sẽ đạt 455 triệu lượt hành khách.

Hạ tầng xe buýt tiếp tục được quan tâm đầu tư; trong 10 tháng đầu năm 2018 đã phát triển mới 223 điểm dừng, tăng 8% so với năm 2017. Hiện toàn hệ thống có 3.123 điểm dừng, 354 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 98 điểm đầu cuối, 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (trong đó 11,6km làn đường dành riêng cho tuyến BRT). Ngoài ra, dự kiến đến hết năm 2018, số xe buýt trên toàn mạng lưới sẽ đạt 1.886 xe. Trong đó có 50 xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG; 293 xe đạt chuẩn khí thải Euro 4; 980 xe dưới 5 năm (chiếm 52%), 664 xe từ 5 đến dưới 10 năm (chiếm 35%); 689 xe đã được lắp đặt wifi miễn phí...

Nhờ có sự đầu tư ngày càng mạnh mẽ, sản lượng VTHKCC bằng xe buýt năm 2018 của Hà Nội đã ngăn được đà sụt giảm và tăng nhẹ trở lại với mức 3%; tuy nhiên, không đạt được kế hoạch tăng sản lượng từ 5 - 8% đặt ra ban đầu. Mặt khác, sự gia tăng cũng không đồng đều và thiếu ổn định với 25 tuyến, nhánh tuyến lượng khách tăng lên, 33 tuyến, nhánh tuyến lại giảm. Một số tuyến được điều chỉnh về luồng tuyến và dịch vụ nhưng chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Phó Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội Đào Việt Dũng còn chia sẻ, dù lượng khách tăng nhưng doanh thu của xe buýt lại giảm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu, định mức giao trợ giá của TP.

Luồng tuyến chưa ổn định

Tại Hội nghị, nhiều DN đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, khai thác các tuyến xe buýt trên địa bàn TP. Đại diện Công ty CP Xe khách Hà Nội nhận định, có tuyến buýt phải mất đến 3 năm để hành khách quen xe, quen điểm dừng, nhưng mỗi khi điều chỉnh tổ chức giao thông lại bị ảnh hưởng, thay đổi, khiến lượng hành khách tiếp cận trồi sụt liên tục.

Giám đốc chi nhánh Công ty Bắc Hà Nguyễn Viết Hùng thẳng thắn cho rằng, hiện các tuyến buýt đang được điều chỉnh theo nhu cầu của DN mà không theo nhu cầu của người dân. Cơ quan quản lý cũng chưa có một đánh giá cụ thể nào về mạng lưới xe buýt của Hà Nội hiện nay đã đủ hay chưa, chỗ nào hiệu quả, chỗ nào không… “Hành khách rất cần đảm bảo thời gian đi lại, nhưng xe buýt chưa đáp ứng được. Muốn tăng sản lượng hành khách phải tăng được tốc độ di chuyển của xe buýt. Ngoài ra, người dân cần mạng lưới xe buýt phải ổn định, ít thay đổi” - ông Hùng nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện đánh giá, Hà Nội hiện là một trong những TP có hệ thống xe buýt được đầu tư tương đối lớn, chất lượng tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội đang thiếu tầm nhìn dài hạn, điều chỉnh luồng tuyến nhiều nhưng không hợp lý.

“Xe buýt nay chạy cung đường này, mai chạy cung đường khác thì người dân làm sao có thể thích ứng được” - ông Viện đặt câu hỏi và cho rằng, Hà Nội phải có quy hoạch dài hạn, ổn định cho mạng lưới xe buýt. Đồng thời, nghiên cứu phát triển mạng lưới, kích cỡ xe phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông. Các DN phải nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ lái phụ xe; chất lượng quản trị DN... qua đó nâng chất lượng dịch vụ xe buýt.

Cách đây 3 năm chưa xuất hiện các loại hình “taxi, xe ôm công nghệ” thì giá vé xe buýt còn hấp dẫn. Nhưng hiện nay do sự cạnh tranh mạnh mẽ về của các loại hình đó nên giá vé xe buýt đã không còn đủ sức hút đối với người dân, nhất là khu vực nội đô. 

 Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật

 Cần tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính hướng vào nội đô có đủ điều kiện. Trước tiên là khôi phục làn đường dành riêng trên trục Nguyễn Trãi trong quý I/2019, vận hành để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

 Giám đốc Trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải

Đặng Sơn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan