Đây là thành tựu và là bài học kinh nghiệm vô cùng đắt giá cho Thủ đô trong thời kỳ đầu xây dựng ĐSĐT.
Nỗ lực hết sức để vượt qua những thử thách, khắc nghiệt
Hiếm có một dự án nào quy mô, phức tạp, khó khăn và chịu nhiều áp lực như tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Trong suốt 14 năm kể từ ngày khởi công dự án, trăm ngàn gian khó nối tiếp nhau đã tạo nên cả một đại dương áp lực mênh mông, là thử thách đầy khắc nghiệt với đội ngũ những người làm dự án, chính quyền và cả Nhân dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT TP Lê Trung Hiếu chia sẻ, dự án đầu tư xây dựng tuyến ĐSĐT thí điểm số 3 của Hà Nội, lộ trình Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công từ năm 2010. Tuy nhiên do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) nên tiến độ cho đến năm 2016 rất chậm chạp, nhiều vấn đề mới phát sinh phải trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương. Bên cạnh đó, hàng loạt những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Bá Sơn cho biết: “Năm 2017, khi tôi được điều động về đơn vị, tiếp nhận dự án cùng ê kíp lãnh đạo mới của Ban, đoạn tuyến trên cao vẫn vướng mắc GPMB tại các ga: S4, S5, S7; nhà thầu ngừng thi công, khu vực depot chưa hoàn thành xây dựng cơ bản, hệ thống đường ray chưa đấu nối, các đoàn tàu còn chưa chốt được thiết kế”.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc “thay máu” đội ngũ nhân sự của Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã cho thấy là quyết sách đúng đắn và quan trọng nhất của Hà Nội. Từ năm 2017, với quyết tâm cao độ, từng vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết, dự án dần dần thành hình để đến ngày 8/8/2024 đã chính thức đưa vào vận hành đoạn trên cao từ ga S1 - S8; khởi công đào hầm ngầm đoạn từ ga S9 - S12, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027.
Ông Lê Trung Hiếu cho biết, quá trình thực hiện dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội có 4 khó khăn lớn nhất gồm: chuẩn bị đầu tư chưa tốt, chưa sát với thực tế; vướng mắc GPMB; thiếu kinh nghiệm, khó khăn trong hội nhập quốc tế về quy định pháp lý; chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu đơn giá định mức đối với nguyên vật liệu phục vụ thi công ĐSĐT.
Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km; đi qua 8 ga trên cao, 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy (từ ga S1 - S8) dài 8,5km đã chính thức được đưa vào phục vụ Nhân dân Thủ đô sáng ngày 8/8/2024.
Tàu chạy từ 5 giờ 30 - 22 giờ hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyến; vé lượt 8.000 đồng/hành khách/ga, đi cả tuyến 12.000 đồng/hành khách/lượt, vé ngày: 24.000 đồng/hành khách, có vé tháng và ưu tiên cho học sinh, sinh viên, miễn phí với cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi, người khuyết tật. Có 36 tuyến buýt kết nối với tuyến ĐSĐT này.
Những khó khăn này đã tạo nên trùng trùng trở ngại cho dự án. Nhiều thời điểm phải ngừng thi công, không nhận được sự cảm thông sâu sắc của người dân và dư luận TP. Ông Nguyễn Bá Sơn nói: “Áp lực lớn nhất đối với chúng tôi là dự án nhiều lần phải lùi tiến độ do vô vàn vướng mắc lớn nhỏ. Đây là một dự án phức tạp và có rất nhiều nhà thầu quốc tế tham gia vào; việc kéo dài tiến độ còn dẫn đến hệ lụy các nhà thầu khiếu nại, đòi bồi thường theo luật quốc tế. Chúng tôi phải nỗ lực hết sức mới có thể vừa cố gắng tiếp tục thi công, vừa bảo vệ quyền lợi của dự án cũng như quyền lợi của Nhà nước Việt Nam”.
Trong khi đó, do thiếu cơ chế, chính sách về GPMB, nhiều hộ dân không đồng thuận, đặc biệt là các hộ dân thuộc phạm vi GPMB không gian ngầm; một số khu vực đã GPMB bị tái lấn chiếm; thay đổi quy định về PCCC… cũng đã khiến mỗi bước đi của dự án đều nặng đến ngàn cân, không tránh khỏi chậm trễ, gian nan.
Hiệu quả từ quyết sách mạnh mẽ
Đông đảo Nhân dân Thủ đô và các chuyên gia cho rằng, thành tựu dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội hôm nay, tuy mới chỉ là bước đầu nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ thực tế triển khai dự án, TP đã thu được 5 lợi ích lớn.
Thứ nhất là rút ra những bài học kinh nghiệm về pháp lý, về chuẩn bị đầu tư cho các dự án ĐSĐT sau này.
Thứ hai: TP đang dần dần gây dựng được một bộ máy nhân sự có trình độ, kinh nghiệm thực tế phong phú, là vốn quý đối với sự nghiệp phát triển ĐSĐT của TP cũng như cả nước. Không chỉ đầu tư xây dựng, đội ngũ nhân sự nội địa đã cho thấy còn có thể đảm đương tốt cả công tác vận hành, quản lý ĐSĐT không kém chuyên gia quốc tế.
Thứ ba: dự án đã nêu lên những minh chứng trực quan, sinh động nhất, thôi thúc Chính phủ, Quốc hội cũng như chính quyền TP thay đổi tư duy, cách làm ĐSĐT. Từ đây những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đối với loại hình “siêu” dự án đặc biệt này đã bắt đầu được tháo gỡ. Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Đề án phát triển ĐSĐT Hà Nội, Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với không gian ngầm… đã lần lượt được thông qua, tạo nên hành lang pháp lý căn bản, có ý nghĩa chiến lược với ĐSĐT nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung.
Thứ tư: TP đã tiếp cận được công nghệ hiện đại của ĐSĐT, đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài về sau với mục tiêu “nội địa hóa” ĐSĐT, giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sử dụng.
Thứ năm: đáp ứng mong mỏi của người dân, góp phần phát triển hệ thống ĐSĐT, qua đó giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang sử dụng vận tải công cộng.
Ông Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Dự án có những dấu mốc rất quan trọng như: quyết sách tách dự án thành hai giai đoạn, đưa đoạn trên cao vào vận hành trước, trong khi tiếp tục thi công đoạn ngầm; giải quyết hoàn toàn mọi vướng mắc về GPMB vào năm 2023… Tất cả những dấu mốc có ý nghĩa quyết định đó đều mang dấu ấn đậm nét của sự quan tâm, chỉ đạo, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và sự ủng hộ thiết thực của Nhân dân Thủ đô”.
Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội là cơ hội hiếm có để chúng ta tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, có bài học thực tế để đào tạo nên một đội ngũ nhân sự đủ năng lực tiếp tục phát triển hệ thống ĐSĐT của Hà Nội trong tương lai.
Rất nhiều kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy trong thời gian xây dựng dự án tuyến ĐSĐT số 3, từ việc quản lý, triển khai dự án, cơ sở pháp lý, hợp đồng FIDIC… cho đến giải quyết những khó khăn phát sinh. Đó là hành trang vô cùng quý giá để 10 năm tới Hà Nội có thể hoàn thành quy hoạch mạng lưới ĐSĐT.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng, trong những năm gần đây, sự quan tâm sâu sắc, đôn đốc quyết liệt và hỗ trợ mạnh mẽ của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã thực sự tạo nên sức bật mạnh mẽ cho dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội nói riêng và hệ thống ĐSĐT Thủ đô nói chung.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Tầm ảnh hưởng từ những hành động ủng hộ ĐSĐT của chính quyền TP đã lan tỏa rộng khắp ra cả nước, thuyết phục được T.Ư đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược toàn diện với ĐSĐT. Có thể nói, Hà Nội đã trả giá rất đắt cho dự án này, nhưng đổi lại được những hiệu quả to lớn, bền vững cho cả ngành ĐSĐT và phát triển đô thị toàn quốc trong tương lai”.
Sáng 8/8/2024, đoạn trên cao từ ga S1 - S8, dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã chính thức đi vào vận hành, và ngay lập tức được Nhân dân Thủ đô hoan nghênh nồng nhiệt. Dự kiến năm 2027, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ, kết nối thêm 4 ga ngầm kéo dài đến Ga Hà Nội, trở thành trục chính vận tải hành khách công cộng từ cửa ngõ phía Tây đến trung tâm Thủ đô.
Để phát triển ĐSĐT tại Hà Nội nói riêng, và ở Việt Nam nói chung, đầu tiên cần phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ T.Ư đến địa phương, ưu tiên tập trung nguồn lực chính sách, nhân sự, kinh tế… cho ĐSĐT.
Tiếp đó, cần tạo ra các cơ chế chính sách đơn giản hơn, thông thoáng hơn cho các dự án ĐSĐT, giảm bớt thời gian, thủ thục phải trình, phê duyệt thì mới có thể rút ngắn tiến độ.
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Bá Sơn
Phạm Công - Ngọc Hải