Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ và quy chế phối hợp giữa Công an Thành phố với Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hà Nội về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, từ ngày 22/4/2024, nhiều đơn vị thuộc Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
|
Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh. |
Tại trường THCS Gia Thụy (Long Biên, TP Hà Nội) Công an quận Long Biên phối hợp với Đội CSGT đường bộ số 5 - Phòng CSGT, Ban Giám hiệu trường THCS Gia Thụy tổ chức buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ; phòng, chống bạo lực học đường cho 1.800 học sinh, 76 cán bộ, giáo viên nhà trường.
Buổi sinh hoạt nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật giao thông đường bộ và trang bị thêm cho học sinh những kiến thức bổ ích, giúp các em có thêm những kỹ năng cần thiết và có cái nhìn hoàn thiện hơn về văn hóa giao thông, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp những giá trị mới.
Đội CSGT đường bộ số 14 - Phòng CSGT đã phối hợp với Ban Giám hiệu trường Tiểu học Vũ Lăng (huyện Thanh Trì) và Ban Giám hiệu trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên, và học sinh của trường.
|
Nhiều trò chơi ý nghĩa nhằm giáo dục về luật giao thông được tổ chức. |
Do đã có sự chuẩn bị kỹ về nội dung, hình thức tuyên truyền, đã thu hút được các em học sinh hăng hái tham gia vào các hoạt động của chương trình. Các chiến sĩ CSGT đã hướng dẫn cho các em cách nhận biết, tuân thủ và chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, một số loại biển báo hiệu, vạch kẻ đường; biết nhường đường khi tham gia giao thông; đi bộ trên vỉa hè, khi sang đường phải đi theo vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; điều khiển xe đạp đi bên phải theo chiều đi của mình và đi đúng phần đường quy định. Cũng trong buổi sinh hoạt, Ban tổ chức đã tiến hành trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.
Tại trường THCS Hoàng Liệt, với nội dung sinh hoạt "Tuyên truyền luật an toàn giao thông", cùng sự tham gia của 2.189 học sinh và 77 giáo viên nhà trường, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 14 đã cung cấp những thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông, các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến lứa tuổi học sinh, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết và chấp hành quy định về an toàn giao thông.
|
Học sinh hăng hái trả lời các câu hỏi của chiến sĩ CSGT. |
Thông qua việc giao lưu với các em học sinh, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 14 vừa kiểm tra hiểu biết của các em về kiến thức pháp luật giao thông đường bộ, vừa thực hiện công tác giáo dục vừa phổ biến các quy định liên quan. Những câu hỏi mà cán bộ đưa ra khéo léo lồng ghép kiến thức pháp luật lẫn tri thức khoa học trong nhà trường, để từ đó giúp học sinh trường THCS Hoàng Liệt nhanh chóng lĩnh hội những bài học về an toàn giao thông đường bộ, nhằm giúp các em hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đại diện các trường khẳng định, sẽ tăng cường hơn nữa những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để đảm bảo việc tuân thủ luật giao thông đường bộ của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường, hướng tới mục tiêu "Đảm bảo an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh". Cũng trong buổi sinh hoạt, các trường đã tổ chức ký cam kết chấp hành luật giao thông đường bộ với cảnh sát giao thông.
|
Cán bộ, chiến sĩ CSGT đến tận trường tuyên truyền pháp luật. |
|
Nhiều phần quà ý nghĩa được trao đến tay các em học sinh. |
Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội Trưởng Đội CSGT đường bộ số 14, cho biết: "Đơn vị sẽ phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục, với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh của từng cấp học và tình hình thực tiễn của từng địa bàn, góp phần xây dựng văn hóa tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân, chủ nhân tương lai có văn hóa giao thông thông minh, góp phần phát triển bền vững Thủ đô và đất nước".