Bài 1: Cuộc lột xác ngoạn mục
Bài 2: Xóa “vùng trắng” trên toàn địa bàn
|
Xe buýt nhanh BRT hoạt động trên phố Láng Hạ. Ảnh: Chiến Công |
Tiện như ở nhà
So với chỉ 2 - 3 năm về trước, xe buýt Hà Nội hiện nay đã đổi mới một cách đáng kinh ngạc. Không chỉ phục vụ đi lại, xe buýt còn cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng rất hữu ích, thu hút ngày càng đông người dân đến với vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho biết, phần lớn xe buýt của đơn vị hiện nay đều được trang bị wifi miễn phí; biển đèn Led và hệ thống âm thanh thông báo lộ trình…
Bạn Nguyễn Trung Hòa - sinh viên trường Đại học Công đoàn chia sẻ: “Với nhiều học sinh, sinh viên hiện nay, bước lên xe buýt với rất nhiều tiện nghi như điều hòa, wifi… cảm giác như đang được ở nhà mình, rất tiện lợi và dễ chịu”. Đó cũng là cảm nhận của đông đảo người dân, hành khách, đặc biệt là những người cao tuổi. Thay vì phải để ý đến lộ trình, điểm lên xuống như trước đây, hệ thống nhắc nhở điểm dừng và thông tin các tuyến buýt kết nối được hiển thị hoặc thông báo trực tiếp trên xe đã giúp hành khách chủ động hơn, dễ chịu hơn hẳn so với trước đây.
Một chi tiết khác cũng được nhiều đơn vị kinh doanh VTHKCC dành sự quan tâm ngày càng cao, đó là các tính năng phục vụ hành khách khuyết tật. Ngoài tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã xây dựng nhà chờ đồng mức với sàn xe, nhiều tuyến buýt đã sử dụng xe sàn thấp hoặc bán thấp với các cơ chế nâng hạ, tối ưu cho người khuyết tật lên xuống. Trên hầu hết xe buýt mới hiện nay đều có các thiết bị cố định dành cho xe lăn.
Nhiều tuyến buýt còn bắt đầu sử dụng camera theo dõi bên trong xe để giám sát hoạt động của nhân viên lái - phụ xe, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo lợi ích của khách hàng. Chính những nỗ lực đổi mới đó đã góp phần thu hút ngày càng đông đảo người dân đến với xe buýt Hà Nội.
Tìm buýt không khó
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận nhất của hệ thống VTHKCC bằng xe buýt của Hà Nội là việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp Nhân dân và hành khách dễ dàng tìm kiếm, sử dụng xe buýt.
Năm 2017, cùng với Trung tâm Điều hành xe buýt, ứng dụng tìm kiếm xe buýt trên điện thoại thông minh cũng đã được Transerco trình làng với tên gọi Timbuyt. Ứng dụng miễn phí với nhiều tiện ích bất ngờ này đã được đưa lên các cửa hàng ứng dụng của cả hệ điều hành Androi lẫn iOS, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Lãnh đạo Transerco cho hay, Timbuyt có tính tương tác cao với hành khách tương tự ứng dụng của Uber, Grab; được sử dụng chung cho mạng lưới xe buýt của toàn TP, kể cả các đơn vị không thuộc Transerco.
Đặc biệt hơn, ứng dụng Timbuyt có thể sử dụng được ngay cả khi điện thoại di động không có kết nối internet. Dù ngoại tuyến người dùng vẫn có thể tìm kiếm đường đi của xe buýt cũng như tra cứu thông tin các tuyến buýt về lộ trình, điểm dừng đỗ, thời gian, tần suất hoạt động. Phần mềm có tính năng tự động nhắc khi xe buýt sắp tới điểm dừng, nhắc báo điểm chuyển tuyến hoặc điểm xuống xe giúp hành khách không bị bỏ lỡ, xuống nhầm điểm dừng.
Thông qua ứng dụng, khách hàng còn có thể tra cứu thông tin về hoạt động của các tuyến xe buýt trên toàn mạng như lộ trình, thời gian hoạt động, biểu đồ chạy xe chi tiết, giá vé… cũng như vị trí các điểm bán vé tháng và hướng dẫn thủ tục đăng ký vé tháng. Ngoài ra ứng dụng cũng cung cấp tiện ích đăng ký làm vé tháng qua mạng, giao vé tận nhà rất tiện lợi cho hành khách.
Đại diện Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị còn cho hay, hiện hệ thống camera giám sát hoạt động của xe buýt đã được triển khai trên nhiều tuyến đường. Cùng với camera, hệ thống thu thập thông tin từ thiết bị giám sát hành trình sẽ góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả quản lý xe buýt của TP.
Có thể nói,việc ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp cho việc quản lý, vận hành xe buýt hiệu quả hơn mà còn đem lại cho người dân sự tiện lợi tối đa khi tiếp cận với xe buýt.
(Còn nữa)