Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu: Ý thức mới là điều cốt lõi

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Liên quan đến vấn đề gia tăng mức xử phạt vi phạm giao thông được dư luận bàn thảo nhiều ngày qua, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu. Vị chuyên gia này cho rằng, tăng nặng mức phạt chỉ là một giải pháp bổ trợ, ý thức của cả người tham gia giao thông lẫn lực lượng duy trì trật tự mới là điều cốt lõi.

Chuyen gia giao thong, thac si Le Trung Hieu: Y thuc moi la dieu cot loi - Hinh anh 1
 Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu

Ông đánh giá như thế nào về việc tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông tại Nghị định 168/2024/NĐ - CP, có cần thiết và hiệu quả hay không?

- Một trong những nguyên nhân gây mất trật tự, ATGT hàng đầu trong nhiều năm qua là ý thức tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân còn kém. Đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, nơi mật độ phương tiện cao, ùn tắc thường xuyên, hiện tượng coi thường luật, lưu thông tùy tiện lại càng diễn ra phổ biến, thậm chí là ngay trước mặt CSGT vẫn có không ít người ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều….

Vì vậy tôi cho rằng, tăng nặng mức phạt để khiến người dân lưu tâm hơn đến luật, dần dần thay đổi ý thức, xây dựng nề nếp trong giao thông là điều nên làm. Thực tế cho thấy, khi những lỗi như: vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, dùng điện thoại khi lái xe… bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhiều người đã biết sợ. Có thể nói Nghị định 168 đã tạo ra tiếng vang lớn, khiến người dân chú ý hơn đến Luật giao thông, đó là hiệu quả. Về lâu dài mức phạt nặng sẽ góp phần tạo thói quen, nề nếp, văn hóa giao thông cho người dân.

Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng xử phạt như vậy là quá nặng, không phù hợp với bối cảnh xã hội và mức thu nhập của người dân?

- Xử phạt vi phạm giao thông không phải là nguồn thu chính của ngân sách, không phải thuế hay phí, mà là một hình thức để duy trì trật tự, ATGT. Vì vậy khó có thể nói phạt nặng có phù hợp với bối cảnh xã hội hay thu nhập của người dân hay không. Phạt là để người dân chấp hành luật, tham gia giao thông phải tuân thủ quy tắc, có văn hóa và đặt an toàn lên hàng đầu. Vì vậy tôi cho rằng mức phạt không được xây dựng dựa trên thu nhập bình quân.

Về nguyên tắc thì người dân không muốn bị phạt nặng phải chấp hành luật giao thông. Nhưng thực tế là có rất nhiều vấn đề, tình huống diễn ra hàng ngày có thể tác động đến hành vi giao thông của mỗi người dân. Chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố này khi xem xét mức phạt vi phạm.

Cụ thể là những yếu tố gì thưa ông?

- Nhìn vào thực tế có thể khẳng định, ý thức giao thông kém chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông. Hạ tầng chậm phát triển trong khi xe cá nhân gia tăng quá nhanh; hay phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại; tổ chức giao thông chưa hợp lý… đều là những yếu tố quan trọng tác động đến giao thông và ý thức, hành vi của người dân.

- Những ngày qua không ít ý kiến nêu lên bất cập như: đèn tín hiệu giao thông không ổn định, biển báo, hướng dẫn không đầy đủ, khuất tầm nhìn khiến người điều khiển phương tiện như bị đánh bẫy; ô tô dàn hàng chiếm hết lòng đường đẩy xe máy lên vỉa hè…. Đó là những bất cập, tồn tại thực tế không thể bỏ qua.

Chắc chắn bất cứ ai khi tham gia giao thông cũng muốn đi đúng luật, an toàn, gặp những tình huống bất khả kháng, hay khó khăn họ mới “tặc lưỡi” đi bừa. Muốn xây dựng văn hóa giao thông, vận động người dân chấp hành luật cần phải giải quyết những bất cập, tồn tại đó.

- Mặt khác, ý thức và văn hóa giao thông không thể chỉ nhìn một phía từ người dân. Cần phải xem xét cả những người làm nhiệm vụ duy trì giao thông trên đường, quản lý hạ tầng… Nếu vận tải công cộng phát triển, hạn chế được xe cá nhân; công tác quản lý quy hoạch tốt, không cập kênh giữa tiêu chuẩn và thực tế đô thị; xử phạt nghiêm không có “xin - cho” thì chắc chắn không cần xử phạt nặng vẫn bảo đảm trật tự, ATGT.

Chuyen gia giao thong, thac si Le Trung Hieu: Y thuc moi la dieu cot loi - Hinh anh 2
 Ý thức là điều cốt lõi trong văn hóa giao thông

Vậy giải pháp lâu dài cho hạn chế vi phạm, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân là gì thưa ông?

- Tôi cho rằng ý thức là điều cốt lõi nhất, không chỉ với người dân mà với cả lực lượng chức năng và cơ quan quản lý. Trước tiên phải tập trung phát triển hạ tầng đô thị, vận tải công cộng, quản lý tốt nhu cầu giao thông. Như vậy sẽ tạo nên một không gian đô thị văn minh, hài hòa, nơi người dân không phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân, không phải đi lại nhiều. Làm được điều đó tất yếu ùn tắc, vi phạm giao thông sẽ tự động giảm.

- Trên đường lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, có tình có lý, không ngoại lệ người dân sẽ tâm phục khẩu phục, tự giác chấp hành luật. Với mức phạt cao như hiện nay, lo ngại phát sinh tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông là có cơ sở. Cần tăng cường giám sát bằng camera, xử phạt nguội qua hình ảnh, hạn chế xử phạt trực tiếp. Lực lượng tuần tra, xử lý phải công khai, tạo hình ảnh đẹp, nghiêm minh của cơ quan thực thi pháp luật. Xóa bỏ những hình ảnh như: che ô kín mít, xử phạt trong cabin ô tô, trong bốt gác... tránh gây hiểu lầm, phản cảm.

Một trong những vấn đề mà dư luận trái chiều những ngày qua nói tới là tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông sử dụng như thế nào(?). Theo tôi nên trích một phần lớn từ khoản thu này tái đầu tư cho hạ tầng, duy tu, duy trì đường sá, sửa chữa đèn tín hiệu, trợ giá cho vận tải công cộng sẽ phù hợp hơn cả.

Cơ quan quản lý hạ tầng cần liên tục cập nhật những bất cập trong giao thông như: phân luồng, pha đèn chưa hợp lý, hay cây, biển quảng cáo, băng rôn che đèn, biển báo… Khi có thông tin cần điều chỉnh kịp thời, nhanh chóng.

- Về phía người dân cần nhận thức rõ rằng thời gian qua văn hóa giao thông rất thấp. Nhiều người coi thường pháp luật, tham gia giao thông kiểu ích kỷ, thiếu tính xây dựng với cộng đồng xã hội. Mức phạt cao hiện nay là một lời cảnh tỉnh để chúng ta nhìn nhận lại thực tế, có sự điều chỉnh trong nhận thức cũng như hành vi. Nhất là những người làm nghề tài xế xe kinh doanh dịch vụ nói chung đã để lại ấn tượng cho xã hội về cách tham gia giao thông khá tùy tiện. Điều này cần phải thay đổi vì chính mỗi người, mỗi gia đình.

Theo ông nhận định, có nên duy trì lâu dài mức phạt vi phạm giao thông nặng như hiện nay hay không?

­- Với mỗi hoàn cảnh chúng ta phải có những giải pháp riêng phù hợp. Thời gian dài vừa qua ý thức chấp hành luật giao thông kém nên tăng nặng mức phạt là cần thiết. Nhưng về lâu dài khi những khó khăn khách quan và cả tồn tại chủ quan trong ý thức của người dân đã được giải quyết, có thể xem xét lại một số mức phạt vi phạm giao thông.

Với những lỗi không còn phổ biến, người dân đã hình thành nề nếp, văn hóa giao thông tốt rồi thì có thể giảm mức phạt tiền xuống, thay thế, bổ sung bằng hình thức khác như lao động công ích chẳng hạn. Nhưng có những lỗi hành vi phải duy trì bền bỉ mức phạt thật cao vì nó tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nghiêm trọng, ví dụ như: vi phạm nồng độ cồn; đi ngược chiều trên cao tốc…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Hải thực hiện

Tin liên quan