Cần sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành để giảm tổn thất

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án quan trọng của quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại...

Chiều 26/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã làm việc với các bộ, ngành, Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội về các dự án giao thông trọng điểm nhằm chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, trên địa bàn có nhiều công trình giao thông trọng điểm do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư (Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông; các tuyến đường Vành đai 3, 4, 5; các tuyến cao tốc nối Hà Nội với Hạ Long, Thái nguyên, đường Hồ Chí Minh, đường sắt quốc gia, các tuyến đường thuỷ trên các tuyến sông lớn, cảng Hàng không quốc tế Nội Bài) và các công trình do TP Hà Nội đầu tư (các dự án đường vành đai, các trục đường hướng tâm, 8 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, các hầm chui trong nội đô). Đây là các dự án không chỉ có ý nghĩa đối với yêu cầu phát triển hiện tại mà còn là lâu dài đối với Hà Nội.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt 9,75% (tiêu chuẩn là 20- 26%); mật độ đường giao thông đạt 1,7km/km2 (tiêu chuẩn là 4,0- 6,5km/km2); diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% (tiêu chuẩn là 3- 4%); tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là 17,03% (tiêu chuẩn là 50- 55%). Do đó, ùn tắc giao thông trên địa bàn là khó tránh khỏi và sẽ ngày càng phức tạp nếu không có giải pháp quan trọng.
Để khắc phục tình trạng ùn tắc, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, các bộ, ngành và TP Hà Nội thống nhất các nhóm các giải pháp tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; duy tu bảo trì, tổ chức giao thông hợp lý; phát triển vận tải công cộng để giảm phương tiện giao thông cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Riêng đối với Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và có ý nghĩa quan trọng do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu. Dự án sẽ bàn giao cho TP Hà Nội tiếp quản, vận hành và trả nợ các khoản vay đầu tư, xây dựng dự án. 
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, vướng mắc nhất hiện nay của dự án là vấn đề thanh toán, quyết toán, nhất là việc tuân thủ kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước (ban hành cách đây hơn 1 năm - PV), đã làm ảnh hưởng tới tiến độ mà tới nay hai bên chưa đạt được thống nhất chung. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho TP Hà Nội theo kế hoạch đề ra. Trước khó khăn này, lãnh đạo các bộ, ngành cho biết dự án đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước của Trung Quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy hiệp thương của các đơn vị liên quan và đảm bảo công bằng, khách quan, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của người dân Thủ đô.
Thống nhất các góp ý của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đề nghị, thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND TP làm Tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ ngành để xây dựng một Kế hoạch, phân loại các công việc của Ban quản lý dự án, Tổng thầu, từng Bộ, ngành và Hà Nội để báo cáo Chính phủ quyết định. Điều này nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động. “Đây là dự án quan trọng của quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại” - Bí thư Thành uỷ đề nghị.

Trần Long

Tin liên quan