Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần
|
Còn nhiều điều kiện phải vượt qua
Chiều 5/11, tin từ Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt, thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch trong tháng 11/2020, toàn bộ chuyên gia nhân sự của Tổng thầu EPC (Công ty TNHH Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) và chuyên gia Pháp của nhà thầu tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống (Liên danh ACT) sẽ được huy động đủ đến dự án Cát Linh - Hà Đông để làm việc.
Trong đó, có 110 chuyên gia, nhân sự của Tổng thầu EPC Trung Quốc và 8 chuyên gia Pháp của Liên danh ATC. Hiện gần 90 người của tổng thầu và 1 chuyên gia Pháp đã sang Việt Nam (trong đó 30 người đang được cách ly theo dõi y tế để phòng, chống dịch Covid-19). Đến tháng 12/2020, khi nhân sự có mặt đầy đủ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ thực hiện vận hành thử toàn bộ hệ thống trong vòng 20 ngày.
Theo Ban QLDA Đường sắt, mục đích của việc vận thử toàn bộ hệ thống nhằm thử nghiệm, nghiệm thu tổng thể và đánh giá an toàn hệ thống, đánh giá nhân sự vận hành theo biểu đồ chạy tàu thực tế.
Ban QLDA Đường sắt cho biết thêm, việc nghiệm thu tổng thể dự án sẽ bao gồm cả nghiệm thu công trình và nghiệm thu đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống được đào tạo theo dự án. Bất cứ hạng mục nào không đạt yêu cầu tổng thầu sẽ phải khắc phục và hoàn thiện.
Đặc biệt, Ban QLDA cho hay, giai đoạn vận hành thử và nghiệm thu tổng thể dự án chưa phải là khâu cuối cùng trước khi đưa dự án vào vận hành thương mại. Bởi để có thể được khai thác, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ còn phải trải qua nhiều khâu đánh giá khác.
Đó là khâu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống (do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp); khâu nghiệm thu nhà nước, đề nghị cấp chứng chỉ hoàn thành công trình; khâu bàn giao nguyên trạng dự án cho Hà Nội và UBND TP Hà Nội có quyết định đưa hệ thống đường sắt trên vào khai thác, vận hành. Để hoàn thành hết các khâu này sẽ tốn không ít thời gian nữa.
Kỳ vọng vào lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT
Trước đó, liên quan đến tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT đã thay mặt cho hàng ngàn cán bộ, nhân viên cơ quan này đứng ra cam kết với Thủ tướng Chính phủ là sẽ cố gắng đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Lời cam kết của Bộ trưởng Bộ GTVT nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và Nhân dân cả nước. Bởi trước đó đã không ít lần cơ quan do ông Nguyễn Văn Thể đứng đầu đã “việt vị” sau khi tuyên bố như đinh đóng cột về thời gian đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông “cán đích”.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho tiến độ thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù khối lượng công việc tại dự án này gần như đã hoàn thành hạng mục xây lắp nhưng do các chuyên gia của Tổng thầu EPC cũng như chuyên gia đánh giá an toàn hệ thống đến từ nước Pháp không thể có mặt vì Covid-19 nên một lần nữa dự án lỡ hẹn với mục tiêu khai thác thương mại trong năm 2020.
Tuy nhiên, với những diễn biến tích cực của tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, cùng với sự quyết tâm của Bộ GTVT, lời cam kết được đánh giá là “ngàn vàng” của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dư luận và nhân dân cả nước đang rất hi vọng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thương mại vào đầu năm 2021 như đúng kế hoạch đề ra.
Với những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, chúng tôi đại diện Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án mà chúng ta khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
|