|
Ảnh minh hoạ |
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện ngân sách Nhà nước bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, bằng khoảng 5,8% so với nhu cầu.
Cụ thể, các dự án nâng cấp đường sắt hiện có được bố trí 13.441 tỷ đồng bao gồm dự án cải tạo, nâng cấp khu gian Hòa Duyệt-Thanh Luyện tuyến đường sắt Bắc-Nam 2.644 tỷ đồng; dự án cải tạo tuyến đường sắt khu vực Khe Nét 1.736 tỷ đồng; dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) 583 tỷ đồng.
Ngoài ra, giai đoạn này cũng còn có các dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh 1.401 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh 1.963 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang 2.425 tỷ đồng; cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn 2.256 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các ga đường sắt trên các tuyến đường sắt phía Bắc 333 tỷ đồng...
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật đối với việc quản lý, sử dụng tài sản; xác định rõ chủ thể tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng khối tài sản này.