|
Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh |
TOD có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của đô thị Hà Nội, thưa ông?
- Phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại, mà còn là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển năng động, bền vững. TOD sẽ giúp đô thị tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng hiện tại và tương lai cùng lượng người sử dụng lớn, không chỉ đảm bảo khả năng di chuyển bền vững, mà còn tối ưu hóa việc sử dụng đất đai.
- Hà Nội với vai trò là Thủ đô và trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, đang đứng trước một cơ hội lịch sử để triển khai TOD trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng.
TOD còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới; tạo điều kiện phát triển và tái tạo các khu vực trọng điểm trong TP thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng.
Như vậy TOD sẽ giúp tối ưu nguồn lực đất đai?
- Đúng vậy. TOD không chỉ sử dụng đất mà còn làm tăng giá trị đất đai thông qua việc quy hoạch, xây dựng đô thị hiện đại, phát triển. Mô hình TOD không chỉ giúp thành phố tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông công cộng như: đường sắt đô thị, hệ thống vận chuyển nhanh khu vực… mà còn cải thiện nguồn cung nhà ở hiện có, đồng thời phát triển thêm nhà ở mới cùng các trung tâm kinh tế quanh các nút giao thông chiến lược.
Qua đó, mở ra cơ hội khai thác giá trị đất đai một cách tối ưu. Điều này không chỉ giúp kích thích tăng trưởng bền vững, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường và hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Luật Đất đai 2024 có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển đô thị theo mô hình TOD thưa ông?
- Luật Đất đai 2024 đã đưa ra những cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội nhằm cụ thể hoá một bước chuyển mình lớn không chỉ đối với Thủ đô Hà Nội, mà còn đối với tất cả các đô thị tại Việt Nam. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị, vận tải công cộng, giao thông xanh… và chiến lược TOD. Vì vậy TP đang rất cần những hành lang pháp lý thông thoáng như Luật Đất đai 2024.
- Cần nhớ TOD là mô hình đô thị rất mới với Hà Nội. Việc có được những trụ cột chính sách như: Luật Đất đai 2024, Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024)… sẽ giúp TP tháo gỡ cơ bản những vướng mắc về cơ chế, chính sách để việc xây dựng đô thị TOD thuận lợi ngay từ đầu, giảm thiểu những rủi ro chính sách, khó khăn, chậm trễ trong thực tế triển khai.
Có thể khẳng định, Luật Đất đai 2024 với những cải cách mang tính đột phá, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, giúp Hà Nội dẫn đầu trong phát triển các dự án đô thị theo định hướng giao thông. Những thay đổi này sẽ giúp kết nối tốt hơn giữa các khu vực, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, xây dựng một đô thị xanh, thông minh và bền vững, hướng tới mục tiêu Hà Nội trở thành một đô thị thịnh vượng, hội nhập và có bản sắc riêng.
|
ĐSĐT là hạt nhan xây dựng đô thị theo mô hình TOD |
Cụ thể Luật Đất đai 2024 có những điểm vượt trội nào để tạo ra sự đột phá như ông vừa nói?
- Có ba điểm đặc biệt trong luật này sẽ tạo ra đột phá. Thứ nhất là trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất rõ ràng minh bạch hơn. Giúp cho cả chủ đầu tư các dự án, cơ quan quản lý nhà nước, lẫn người dân dễ dàng thống nhất và áp dụng.
Thứ hai là Điều 159 Luật này quy định, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ công bố Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026. Hằng năm UBND cấp tỉnh, TP phải trình HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 năm sau.
Như vậy nghĩa là Bảng giá đất sẽ được ban hành theo từng năm (nếu có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung) thay vì định kỳ 5 năm/lần như quy định hiện hành tại Điều 114 Luật Đất đai năm 2013. Việc điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định mới sẽ rất linh hoạt, phù hợp với thực tế giá đất tại các địa phương, tránh thiệt thòi cho người dân, đồng thời giúp công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư sát thực hơn, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Thứ ba là Luật Đất đai 2024 nhấn mạnh, việc xác định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc thị trường thay vì căn cứ vào giá đất tối thiểu - tối đa của khung giá đất do Chính phủ ban hành như hiện nay. Đồng thời có quy định về tái định cư tại chỗ, tăng sự đồng thuận của người dân khi triển khai thu hồi đất phục vụ xây dựng TOD. Ngoài ra còn nhiều điểm mới nữa sẽ tạo điều kiện rất tốt cho việc quản lý, sử dụng đất đai cho mục tiêu phát triển TOD của Hà Nội và cả nước.
Như vậy Luật Đất đai 2024 sẽ chấm dứt tình trạng vướng mắc giải phóng mặt bằng tại các dự án giao thông của Hà Nội lâu nay?
- Công tác GPMB luôn phức tạp, khó khăn, nhất là với các đô thị lớn như Hà Nội. Luật Đất đai là hành lang pháp lý quan trọng để khai thông bế tắc cho khâu then chốt này, còn chấm dứt được hay không phải qua thực tế triển khai, áp dụng luật, rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
- Tuy nhiên có thể khẳng định Luật Đất đai 2024 sẽ giải quyết cơ bản những khó khăn trong công tác GPMB cho mỗi dự án giao thông, TOD… Luật cơ bản sẽ đáp ứng mong mỏi của người dân trong việc định giá, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi phải GPMB. Người dân có thể được tái định cư ngay tại khu vực đô thị TOD mà họ bàn giao đất để xây dựng, điều này sẽ khuyến khích rất tốt người dân đồng thuận, ủng hộ dự án cũng như chủ trương, chính sách của nhà nước. Có sự ủng hộ của người dân, khó khăn trong khâu GPMB vẫn đeo bám các dự án lâu nay sẽ dần dần được giải quyết triệt để.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Hải thực hiện