Nhượng quyền thu phí cao tốc Bắc - Nam: Cần nghiên cứu kỹ kẻo... ế

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xây dựng phương án thu phí cao tốc Bắc - Nam đầu tư công bằng hình thức chuyển nhượng quyền thu phí. Liệu rằng phương thức này có thật sự khả thi và hiệu quả như kỳ vọng?

Nhuong quyen thu phi cao toc Bac - Nam: Can nghien cuu ky keo... e - Hinh anh 1
 Phương án nhượng quyền thu phí cao tốc đầu tư công đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Thu 10 năm được 30.000 tỷ đồng

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có 12 dự án thành phần và đang được đề xuất sẽ đầu tư công toàn bộ thay vì hình thức đối tác công - tư (PPP) như trước đó.

Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội thì dự kiến tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các đoạn tuyến này gần 147.000 tỷ đồng. Tương tự như các đoạn đầu tư công tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ đều xây dựng phương án sẽ thực hiện thu phí để thu hồi vốn ngân sách, trong đó nhà nước thực hiện thu hoặc chuyển nhượng quyền thu phí.

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính, trên cơ sở quy định pháp luật để xây dựng phương án thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước để thu hồi vốn đầu tư, quản lý vận hành và điều tiết giao thông.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định. Nếu Quốc hội thông qua, đề án này sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và Bộ Tài chính xây dựng mức phí, cách thu, thời điểm thu với các tuyến cao tốc đầu tư công.

Riêng với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sau khi các dự án đầu tư công hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định, theo dự kiến sẽ là 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm.

Bộ GTVT tính toán, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, còn nếu thu trong 10 năm sẽ được khoảng 37.881 tỷ đồng. Con số này sẽ giảm xuống còn khoảng 30.000 tỷ đồng trong 10 năm nếu chỉ thu 8 dự án thành phần (trừ 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu).

Theo phương án thu hồi vốn đầu tư với các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương thì trước mắt sẽ thực hiện thu phí với 8 đoạn đầu tư công đang thi công rồi sau đó tiến tới thu phí với các tuyến cao tốc đầu tư công khác.

Mức phí dự kiến có thể  từ 1.000 đến 1.500 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi. Với mức thu phí này, 8 đoạn cao tốc đầu tư công đang thi công dự kiến sẽ mang về khoảng 2.130 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí bảo trì, chi cho hoạt động thu phí.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, mức phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc đầu tư công sẽ được Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền thu phí và người sử dụng dịch vụ.

Nhuong quyen thu phi cao toc Bac - Nam: Can nghien cuu ky keo... e - Hinh anh 2
Cao tốc Hà Nội - Hài Phòng sẽ trở thành tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam áp dụng 100% thu phí không dừng từ 5/5 tới. 

Cẩn thận kẻo... ế

Xung quanh chủ trương thu phí cao tốc đầu tư công bằng hình thức nhượng quyền đang có khá nhiều ý kiến được đưa ra. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là quy định về thu phí hay nhượng quyền thu phí các dự án đường cao tốc đầu tư công tới nay vẫn chưa được ban hành.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong trường hợp nhượng quyền thu phí không thành công thì Bộ GTVT sẽ ghiên cứu áp dụng hình thức thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp hiện nay đang triển khai để thu hồi vốn Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, sẽ được triển khai liên dịch vụ thu phí thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021-2025 và các dự án giai đoạn 2017-2020 và áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng, bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng.

Nếu làm được điều này thì chắc chắn sẽ việc nhượng quyền thu phí sẽ rất có sức hút với nhà đầu tư. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp không nhượng quyền thu phí mà hình thức thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp như hầu hết các dự án cao tốc đang thu phí hiện nay thì cũng rất thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế tại các tuyến cao tốc đầu tư bằng PPP, hợp đồng BOT hiện nay thì công tác thu phí vẫn đang tồn tại những vướng mắc, bất cập. Dễ nhận thấy nhất là các tất cả các trạm thu phí đều đang tồn tại song song cả thu phí tự động và thu phí thủ công.

Trong đó, số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng vẫn còn khá hạn chế so với phần còn lại. Nếu những bất cập, hạn chế trong công tác thu phí này không sớm được giải quyết triệt để thì khi triển khai nhượng quyền thu phí đối với cao tốc đầu tư công sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, trong quá trình vận hành hệ thống thu phí không dừng hiện nay vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập, gây bức xúc cho một số chủ phương tiện tham gia dịch vụ.

Nguyên nhân do đây là lần đầu tiên hệ thống này được triển khai tại Việt Nam và việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng nên khó tránh được những bất cập. Hiện Bộ GTVT vẫn khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông.

Tại phiên thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 diễn ra vào chiều 10/1, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu TP Hà Nội, cho rằng hiện chưa có cơ chế về nhượng quyền thu phí. Kể cả có nhượng quyền thu phí thì cũng theo đại biểu này thì số tiền thu về cũng không bù lại tiền Nhà nước đã bỏ ra.

"Trong tờ trình nói rằng 12 dự án thu khoảng 10 năm cũng chỉ được 37.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là 4 dự án này có thu trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỷ đồng. Tức là chúng ta cũng chỉ được 10.000 tỷ đồng, chứ không thể nào có được tiền để chúng ta bù lại tiền Nhà nước đã bỏ ra" – ông Hoàng Văn Cường phân tích.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh, để nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với Nhà nước đầu tư xong cho người khác vận hành vào thu phí trở lại.

"Việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi là ý tưởng hoàn toàn có thể được, mặc dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này”. 
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa


Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h