Ngay sau khi thông tin được công bố, đã có ý kiến cho rằng, tốc độ khai thác 35km/giờ là quá chậm so với tốc độ thiết kế. Nhằm làm rõ vấn đề này, chiều 3-9, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị và nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Giao thông - Vận tải.
|
Dự kiến, đây sẽ là vẻ ngoài của con tàu Nhổn - Ga Hà Nội. |
Tiến sĩ Vũ Hồng Trường cho rằng, 35km/giờ là tốc độ trung bình tính cả lúc dừng chờ đón - trả khách ở các nhà ga; thời gian tác nghiệp kỹ thuật ở ga đầu - ga cuối; thời gian tăng tốc, giảm tốc... Hiện tốc độ của xe buýt thường ở Thủ đô trung bình 16-18km/giờ; xe buýt nhanh khoảng 23km/giờ. Tốc độ khai thác này cũng tương đương với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp vận hành. Tốc độ 35km/giờ là thiết kế tối ưu phù hợp với tốc độ khai thác của các tuyến đường sắt đô thị trên thế giới.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nhận định: Tốc độ chạy tàu 35km/giờ là hợp lý với khoảng cách nhà ga thiết kế. Các ga cách nhau 1km, tàu dừng mỗi ga 1 phút. Xuất phát từ 0km, tàu đi đến nhà ga kế tiếp có thể đạt tốc độ trên 60km/giờ nhưng tính cả thời gian đỗ đón - trả khách thì ra con số trung bình 35km/giờ. Tốc độ này tương đương với tàu điện ngầm nội đô của các nước phát triển như Anh, Pháp và Nhật Bản.