|
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới được Bộ GTVT cho phép thu phí trở lại. Ảnh: Đoàn Nguyên |
Năm 2015, dư luận Hàn Quốc “dậy sóng” trước thông tin một cựu lãnh đạo của Tập đoàn Posco bị bắt giữ vì lập “quỹ đen” với mục đích “lại quả” cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp nhằm thổi phồng các chi phí xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam giai đoạn 2009 - 2012.
Ngay lập tức, Bộ GTVT đã ra quyết định thanh tra đột xuất một số dự án, gói thầu xây dựng đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư và có sự tham gia của Posco. Không nằm ngoài dự đoán, Đoàn Thanh tra phát hiện một loạt vi phạm mà Posco mắc phải tại cả 3 dự án đường cao tốc là Nội Bài – Lào Cai; Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Chọn nhiều nhà thầu phụ không đảm bảo năng lực
Trong Văn bản số 344/VEC-TĐ ngày 8/10/2015 về việc xử lý kiến nghị của Thanh tra Bộ GTVT gửi Posco, VEC khẳng định “kết luận của Thanh tra Bộ GTVT về công tác lựa chọn, giao thầu và quản lý thực hiện hợp đồng của Posco đối với các nhà thầu phụ chưa phù hợp với các quy định hiện hành, làm ảnh hưởng tới hiệu quả, tiến độ và công tác quản lý dự án của chủ đầu tư”.
Cụ thể, việc xem xét, đánh giá năng lực, kinh nghiệm của một số nhà thầu phụ thông qua kết quả thực hiện các hợp đồng tương tự để lựa chọn nhà thầu phụ chưa phù hợp theo quy định. Tại dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai là các trường hợp Công ty CP Xây dựng và thương mại Khang Minh; Công ty CP Xây lắp và cơ khí Phương Nam; Công ty CP Tập đoàn TGT; Liên danh Công ty CP Xây dựng Bảo Minh và Công ty TNHH KW. Tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là Liên danh Công ty CP Hạ tầng Thiên Ân và Vinaconex. Tại dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội số 44.
Trong công tác giao thầu các hợp đồng, khối lượng và giá trị hợp đồng do Posco đề xuất giao cho nhà thầu phụ thực hiện chưa phù hợp với khối lượng, giá trị thực tế ký với nhà thầu phụ. Vấn đề này xảy ra đối với trường hợp Công ty CP Bê tông 6 tại dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và trường hợp Cienco 4 tại dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Bên cạnh đó, một số nhà thầu phụ và nhà cung cấp đã được Posco đề xuất thực hiện một hạng mục trong gói thầu, nhưng thực tế đã ký thêm hợp đồng để thực hiện các hạng mục công việc khác và gói thầu khác. Điều này xảy ra với 6 trường hợp nhà thầu phụ, nhà cung cấp của Posco tại dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ngoài ra, tại dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai còn xảy ra tình trạng, trong quá trình thực hiện hợp đồng với Posco, có 3 trường hợp là đơn vị và đơn vị thành viên của Posco chuyển nhượng lại cho các đơn vị khác thực hiện hợp đồng đã ký với Posco. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại hợp đồng giữa VEC và Posco.
Kỷ luật nhà thầu là chưa đủ
Những vấn đề trong công tác lựa chọn, giao thầu và quản lý thực hiện hợp đồng của Posco dẫn đến hệ quả là việc thi công nhiều gói thầu của Posco bị chậm tiến độ, chất lượng công trình một số hạng mục có vấn đề. Năm 2012, VEC đã phải đưa ra yêu cầu thay thế giám đốc các gói thầu chậm tiến độ của Posco tại dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Đến năm 2013, VEC tiếp tục ra quyết định kỷ luật cảnh cáo nhà thầu thi công Posco và đưa Đội thi công hạng mục móng cột hộ lan đoạn cầu Ruột Ngựa ra khỏi công trường và cấm tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư do để xảy ra khiếm khuyết tại một số móng cột hộ lan trên Gói thầu 3. Thậm chí, VEC cảnh báo ông Sang Hoon Lee - Giám đốc dự án Gói thầu 3 và đình chỉ công tác, có trách nhiệm khắc phục triệt để các tồn tại đối với ông Cho Yang Cook - Giám đốc thi công Gói thầu 3.
Gần đây nhất, vào năm 2016, do để chậm trễ tiến độ thi công và không đáp ứng được yêu cầu, Giám đốc dự án của Posco tại gói thầu số A5 thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng bị VEC thay thế.
Tuy nhiên, biện pháp được cho là cứng rắn đó của VEC dường như không phát huy được nhiều hiệu quả. Bằng chứng là trong đợt thanh tra công tác thực hiện gói thầu A5, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi của Đoàn Thanh tra Bộ GTVT diễn ra vào tháng 3/2017 tiếp tục phát hiện hàng loạt sai phạm từ công tác thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công tới chất lượng công trình cũng như công tác ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt là việc Posco đã chuyển nhượng 100% giá trị gói thầu cho các nhà thầu phụ mà không thi công bất cứ một hạng mục nào. Hệ quả của những sai phạm đó đã nhãn tiền khi tuyến cao tốc trị giá lên tới 34.000 tỷ đồng bị hư hỏng, bong tróc, thấm dột chỉ sau chưa đầy một tháng đưa vào sửa dụng.