Hà Nội: Transerco nỗ lực phục hồi vận tải hành khách

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng hành khách sử dụng xe khách liên tỉnh qua các bến xe ở Hà Nội giảm gần 60% so với cùng kỳ 2021, và chỉ bằng 14% so với cùng kỳ trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, bối cảnh chung đang trở về trạng thái bình thường mới, nhưng hoạt động vận tải hành khách vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh hưởng dịch bệnh cùng với việc giá nhiên liệu tăng cao và loại hình xe limousine hoạt động ngoài bến xe đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị vận tải và bến xe, sản lượng dịch vụ các bến xe khôi phục chưa được trên 50% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19; hoạt động vận tải kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, nhiều khoản chi phí khác do ảnh hưởng của giá xăng dầu cũng biến động tăng theo.

Trước thực tế đó, Tổng công ty tập trung các nhóm giải pháp chuyên đề, xây dựng biểu đồ, tần suất chạy xe theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của Thành phố.

Ha Noi: Transerco no luc phuc hoi van tai hanh khach - Hinh anh 1
 Theo báo cáo của Tổng công ty Vận tải Hà Nội sản lượng dịch vụ các bến xe khôi phục chưa được trên 50% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã khắc phục, xử lý 12 điểm dừng đỗ xe buýt bị mất, hư hỏng, mất an toàn giao thông…, điều chỉnh hợp lý hóa biểu đồ 13 tuyến xe buýt từ ngày 01/6/2022 để tạo thuận lợi hơn cho hành khách sử dụng dịch vụ.

Tổng công ty đã đưa 15 xe buýt mới vào hoạt động thay thế cho các xe đã hoạt động 10 năm trên 4 tuyến 01, 02, 6D và 52B. Bổ sung phương tiện dự phòng cho các tuyến buýt 36, 107 nhằm sử dụng hiệu quả đoàn phương tiện và đảm bảo chất lượng phương tiện, dịch vụ của tuyến.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm: Phát hiện, lập 310 biên bản vi phạm các loại, xử lý kỷ luật 519 lượt, thực hiện sa thải 13 nhân viên lái, phụ xe do vi phạm quy chế. Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty đã tiếp nhận và trả lời 52.331 cuộc gọi, trong đó 76% cuộc gọi đề nghị hướng dẫn, tư vấn về dịch vụ, lộ trình tuyến, tần suất dịch vụ, 13% số cuộc gọi phản ánh về tình trạng ùn tắc giao thông, mưa ngập, phải chờ xe lâu, 0,2% phản ánh về thái độ phục vụ của CNLX, NVBV.

Trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu do thực hiện cắt giảm tần suất phục vụ theo điều hành của cơ quan quản lý, sản lượng chuyến lượt ước đạt khoảng 80,4%, sản lượng khách ước đạt 30% so với đặt hàng, đấu thầu và bằng 65,8% so với cùng kỳ. Doanh thu bán vé sau phân bổ ước đạt 37,2% so với kế hoạch đấu thầu, bằng 83,5% so với cùng kỳ.

Tận dụng cơ hội thị trường thời điểm đầu năm, tuyến buýt Citytour đã khôi phục hoạt động trở lại với chính sách kích cầu giảm giá vé, nhờ vậy sản lượng hành khách tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên so với cùng kỳ giai đoạn trước dịch, số chuyến lượt chỉ bằng gần 36% và doanh thu bằng 27,4%.

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, mức độ phục hồi của hoạt động bến xe diễn ra còn chậm, nhu cầu đi lại qua bến xe thấp, các doanh nghiệp vận tải hành khách đều thực hiện giảm tần suất, kể cả vào các dịp nghỉ lễ. Trong phần lớn thời gian của 6 tháng đầu năm, các tuyến liên tỉnh chỉ hoạt động ở mức 20% – 40% so với thời kỳ trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19. Lượt xe liên tỉnh ước đạt gần 250 nghìn lượt, bằng 106% KH, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2021, giảm gần 60% so với thời điểm trước dịch. Lượt khách liên tỉnh ước đạt gần 800 nghìn lượt, bằng 80% KH, giảm gần 60% so với cùng kỳ 2021, và chỉ bằng 14% so với cùng kỳ trước dịch. Sản lượng trông giữ ô tô của Công ty Khai thác điểm đỗ xe cũng giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Để khắc phục khó khăn, trong 6 tháng cuối năm 2022, Tổng công ty Vận tải Hà Nội sẽ bám sát diễn biến tình hình, thực hiện điều hành linh hoạt, quyết liệt, nắm bắt cơ hội thị trường đẩy mạnh khôi phục phát triển SXKD, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD 6 tháng cuối năm và cả năm 2022 ở mức cao nhất.

Đồng thời, triển khai các công tác chuẩn bị để sẵn sàng phát triển xe buýt khi được Thành phố giao, nhất là có giải pháp hiệu quả về tuyển dụng, đào tạo để đảm bảo nguồn lao động đáp ứng kế hoạch SXKD và phát triển các tuyến buýt mới. Đi đôi với phát triển xe buýt là phải có giải pháp hiệu quả nâng cao hơn nữa về chất lượng dịch vụ và bảo đảm chất lượng phương tiện.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm chất lượng phục vụ kết hợp công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về ý thức trách nhiệm, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ lao động trực tiếp CNLX, NVPV và nhân viên nghiệp vụ trên tuyến. Quan tâm, nắm bắt tâm tư và có giải pháp động viên người lao động.

Đồng thời triển khai dự án đầu tư đổi mới phương tiện sử dụng trên 10 năm và nghiên cứu loại hình phương tiện phục vụ các tuyến mở mới phù hợp với đặc thù của tuyến và đảm bảo hiệu quả khai thác...

Tin liên quan