Toàn quốc hiện có hơn 27.000km đường thủy đang được khai thác vận tải, gồm: hơn 7.100km luồng đường quốc gia và hơn 20.500 luồng địa phương. Trong năm qua, có thêm gần 800 phương tiện thủy đăng ký mới để tham gia giao thông, nâng tổng số phương tiện được quản lý đăng ký lên hơn 256.500 chiếc, nhiều tuyến vận tải thủy sôi động.
Tại hội nghị "An toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2022", Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy năm qua đạt hiệu quả rõ nét. Đường thủy luôn duy trì luồng xanh vận tải ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
|
Ảnh minh họa. |
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong năm 2021, TNGT đường thủy trên toàn quốc cũng giảm hơn 23% số vụ, hơn 25% người chết và hơn 85% người bị thương.
Cục Đường thủy và các hội, doanh nghiệp vận tải thủy đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động đội ngũ thuyền viên chấp hành pháp luật giao thông "Liên Cục Đường thủy - Cảnh sát giao thông - Đăng kiểm và liên ngành ở các địa phương kịp thời giải quyết các khu vực có nguy cơ phát sinh "điểm nóng" mất trật tự ATGT".
Ông Khuất Việt Hùng thông tin, trong năm 2021, hàng nghìn cảng, bến thủy, phương tiện được lực lượng quản lý đường thủy tuyên truyền, ký cam kết tuân thủ pháp luật ATGT đường thủy. Cục Đường thủy cũng vận động, quyên góp được hơn 6.200 phao, dụng cụ nổi cứu sinh để cho người dân tại 14 địa phương, góp phần tuyên truyền nâng nhận thức xã hội về ATGT đường thủy, đặc biệt người dân sử dụng phương tiện nhỏ, dân sinh vùng khó khăn.
Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Hải cho biết, nhóm phương tiện thủy cỡ lớn có sự chuyển biến tích cực trong chấp hành đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, lo ngại nhất là phương tiện gia dụng loại nhỏ. Năm qua, các lực lượng, địa phương tăng cường tuyên truyền, quản lý giúp ngăn ngừa TNGT do phương tiện thủy loại nhỏ, gia dụng và góp phần quan trọng trong kết quả kéo giảm TNGT đường thủy.
"Phương tiện thủy gia dụng (dưới 15 tấn, 5-15CV) là nhóm có nguy cơ cao nhất gây TNGT đường thủy và thiệt hại về người. Thời gian tới, công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy cần tiếp tục quan tâm, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng nhận thức và quản lý sát sao đối với nhóm phương tiện này", ông Nguyễn Vũ Hải thông tin.
Năm 2021 toàn quốc xảy ra 53 vụ TNGT đường thủy, làm chết 35 người và 1 người bị thương. So với năm trước giảm hơn 23% số vụ (giảm 16 vụ), hơn 25% người chết (12 người) và hơn 85% người bị thương (giảm 6 người). Trong đó, xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 7 người đều do phương tiện thủy gia dụng (không đủ điều kiện an toàn phương tiện, cứu sinh) gây ra.
Theo ông Nguyễn Vũ Hải, những năm gần đây, đối với các hoạt động cảng bến thủy nội địa đã có nhiều sự chuyển biến tích cực về cả chất và lượng, đặc biệt ý thức và hiểu biết Pháp luật của các Chủ phương tiện, đội ngũ thuyền viên trực tiếp tham gia hoạt động đón trả hành khách tại cảng được nâng lên rõ rệt. 100% không có phương tiện nào quá tải được phép rời bến; sự phối hợp giữa chủ cảng và các lực lượng chuyên ngành tại cảng cũng được nâng cao và hợp lý trong các qui trình phối hợp. Công tác đảm bảo an toàn giao thông tại cảng bến và hoạt động vận tải hành khách luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong các chỉ đạo, phối hợp nghiệp vụ tại cảng.