Thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe làm chủ tốc độ phương tiện

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên Hợp Quốc phát động. Chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe trên toàn quốc về làm chủ tốc độ phương tiện theo quy định khi tham gia giao thông.

Sáng ngày 14/5, nhằm hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên Hợp Quốc phát động, Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng trong đó có trọng tâm chiến dịch tuyên truyền tuân thủ tốc độ quy định thông qua việc giới thiệu tài liệu tuyên truyền “Hãy tuân thủ tốc độ quy định” với sự đồng hành của Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies.

Chiến dịch nhằm thúc đẩy nhận thức và hành vi của lái xe trên toàn quốc về làm chủ tốc độ phương tiện theo quy định khi tham gia giao thông, cảnh báo về nguy cơ gặp phải va chạm giao thông cũng như hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ tốc độ quy định: “Vi phạm chạy quá tốc độ càng cao thì nguy cơ xảy ra va chạm càng tăng và hậu quả va chạm giao thông càng nghiêm trọng”. 

Thuc day nhan thuc va hanh vi cua lai xe lam chu toc do phuong tien - Hinh anh 1
Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trước năm 2012, mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì TNGT nhưng đến năm 2022, báo cáo từ Bộ Công an cho thấy mỗi ngày chỉ còn 17 người chết vì TNGT, giảm gần 50% so với 10 năm trước. Kết quả này đạt được nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, thiệt hại do TNGT vẫn còn rất lớn, không chỉ về mặt con người mà còn gây thiệt hại lớn đối với sự phát triển đất nước.

“Ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á, đông đảo người dân hình thành thói quen đi lại bằng xe máy và dần chuyển sang ô tô khi thu nhập gia tăng. Bên cạnh những lợi ích như linh hoạt, tiện lợi thì việc tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân tiềm ẩn rủi ro gặp TNGT cao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhất là trong các đô thị” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh

Uỷ ban ATGT Quốc gia đồng thuận và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 7 do Liên hợp quốc phát động, kêu gọi các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân thay đổi tư duy về giao thông, từng bước chuyển từ đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân sang đi lại bằng xe đạp, xe điện, phương tiện vận tải công cộng, gắn với đi bộ để giúp cho giao thông xanh hơn, sạch hơn và đặc biệt là ngày càng an toàn hơn.

Thuc day nhan thuc va hanh vi cua lai xe lam chu toc do phuong tien - Hinh anh 2
 Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.

Theo đó, vận động Ban ATGT các địa phương trọng tâm tuyên tuyền từ ngày 10 – 28/5, khuyến khích người dân thay đổi thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân đường bộ sang phương tiện công cộng với các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền như: “Tham gia giao thông Xanh-Sạch-An toàn”, Đường phố dành cho cuộc sống; Đạp xe – Mạnh khoẻ- Vui vẻ - An toàn; Đi xe điện – Thân thiện môi trường; Đi xe buýt – Ít nguy cơ; Đã uống rượu bia – Không lái xe; Giảm tốc độ - Nhường người đi bộ. Song song với đó, đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, cơ quan, trường học tổ chức các sự kiện riêng để hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu.

Trong Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu và cả các thời gian tiếp theo, các địa phương trên toàn quốc sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về chủ đề tuân thủ quy định về tốc độ và các quy tắc giao thông, đồng thời lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ, đặc biệt là các hành vi lái xe vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, ma tuý, vi phạm phần đường, làn đường của người đi bộ, xe thô sơ, xe buýt cũng như hành vi không tuân thủ quy định về nhường đường cho người đi bộ, xe thô sơ trên địa bàn địa phương… góp phần lan tỏa và củng cố hiệu quả của chiến dịch.

Tin liên quan