Bỏ quy định ô tô con phải có bình chữa cháy: Cái kết được báo trước

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cách đây 4 năm, khi quy định này được đưa ra đã gây ra nhiều tranh cãi và sau đó, việc áp dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Gỡ bỏ quy định này là cái kết được báo trước.

Bo quy dinh o to con phai co binh chua chay: Cai ket duoc bao truoc - Hinh anh 1
Sau 4 năm gây nhiều tranh cãi, quy định ô tô con phải lắp bình cứu hỏa cũng được đề xuất gỡ bỏ. (Ảnh: Hữu Khoa)
Gỡ bỏ vì nhiều bất cập
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho bản dự thảo lần 2 của Thông tư hướng dẫn về thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là dự thảo Thông tư).
Một trong những điểm gây chú ý nhất, trong bản dự thảo Thông tư lần này, chính là việc bãi bỏ quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến dưới 10 chỗ ngồi phải trang bị bình chữa cháy. Thay vào đó, Bộ Công an đề nghị những phương tiện ô tô loại này chỉ cần có hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí bảo đảm an toàn về PCCC.
Lý giải cho quyết định bãi bỏ quy định ô tô con bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC  và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho biết, quy định này tồn tại nhiều bất cập. Do đó, để phù hợp với Nghị định quy định chi tiết về Luật PCCC đang xây dựng. “Chúng tôi đã chủ động đề xuất bỏ quy định này trong Thông tư 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói.
Như vậy, sau 4 năm kể từ khi Thông tư 57/2015/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ Công an có hiệu lực (từ năm 2016), một trong những quy định gây nhiều tranh cãi nhất tại thông tư này là yêu cầu ô tô con từ 4 - dưới 10 chỗ ngồi phải trang bị bình chữa cháy sắp chính thức bị gỡ bỏ. Dù đây mới chỉ là đề xuất nhưng không ít người tin rằng “sứ mệnh lịch sử” của quy định này đã hết.

Ngay từ những ngày đầu khi quy định ô tô con từ 4 - dưới 10 chỗ ngồi phải trang bị bình chữa cháy vừa mới xuất hiện, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã lên tiếng khuyến cáo vấn đề cháy nổ xe do thiết kế không gian xe 4 chỗ thường nhỏ nên khi xảy ra cháy nổ, tốt nhất người trong xe nên rời ra xa thay vì lục tìm hay cố gắng mở cốp tìm bình cứu hỏa.

Gỡ bỏ là chính xác
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, ông không bất ngờ với đề xuất bỏ quy định ô tô con phải lắp bình chữa cháy mà đơn vị soạn thảo dự thảo thông tư vừa đưa ra.
Bởi đơn giản, ngay từ ngày đầu khi mới xuất hiện, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập. “Những ô tô loại nhỏ, dưới 10 chỗ ngồi mà phải mang theo bình chữa cháy thì sẽ gây ra nguy cơ ngược bởi dễ xảy ra cháy nổ” - ông Liên nói.
Vị Chuyên gia giao thông này phân tích thêm, những ô tô loại nhỏ khi xuất xưởng đều không có thiết kế chỗ lắp đặt bình chữa cháy. Trong khi muốn đảm bảo cho chính những bĩnh chữa cháy không trở thành “thủ phạm” gây cháy trên xe thì bắt buộc các xe phải thiết kế chỗ lắp đặt bình. Điều này muốn làm được thì chỉ có một cách, đó là thay đổi thiết kế xe.
“Thay đổi thiết kế xe để có chỗ lắp đặt bình chữa cháy nghe qua tưởng là việc đơn giản nhưng lại rất phức tạp. Rõ ràng việc lắp thêm bình cứu hỏa mini không mang lại hiệu quả mà lại gây ra nhiều phiền hà như vậy thì nên gỡ bỏ quy định này là chính xác” - ông Liên phân tích.
Trong khi đó, theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì ngay cả khi được trang bị bình cứu hỏa trên xe thì khi những xe ô tô con xảy ra hỏa hoạn, khả năng dập lửa từ những bình chữa cháy mini đó cũng không cao.
Bởi một điều đơn giản, với những ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nơi phát hỏa thường xảy ra ở động cơ nằm phía trước xe trong khi động cơ và bình xăng được thiết kế kín. Nếu đã cháy lửa vừa bốc nhanh vừa khó dập nên cách tốt nhất là chạy thoát thân chứ cố chữa cháy bằng bình cứu hỏa mini có khi còn mang họa vào thân.
“Chính vì nhiều bất cập mà suốt 4 năm qua vẫn liên tục gặp phải vướng mắc khi triển khai. Thế nên theo tôi gỡ bỏ quy định này đi là tốt nhất. Cái gì không hợp lý thì cần phải thẳng thắn gỡ bỏ thì mới có thể đưa ra những quy định tốt hơn, phù hợp với hiện thực đời sống hơn” - ông Thanh nhện định.

“Chúng tôi đề xuất quy định này được bãi bỏ càng sớm càng tốt để đỡ gây phiền hà, lãng phí cho chủ xe. Bởi đã có nhiều ý kiến phàn nàn của các doanh nghiệp thành viên cho rằng quy định trang bị bình chữa cháy trên xe từ 4 chỗ đến dưới 10 chỗ này vô dụng, lãng phí tiền bạc, thậm chí gây nguy hiểm cho xe ô tô cá nhân” -Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Lê Văn Tiến.

Quý Nguyễn

Tin liên quan