Trao đổi với VOV Giao thông, đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ quan điểm về đề xuất mới đây của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng như một số doanh nghiệp vận tải các tỉnh liền kề Hà Nội.
|
Ảnh minh họa |
PV: Thưa ông, Hiệp hội vận tải Hà Nội đánh giá như thế nào về đề xuất chuyển đổi xe khách cố định cự ly ngắn thành buýt liên tỉnh?
Ông Bùi Danh Liên: Thực ra, đề xuất này không có gì mới. Nó có thể giúp nguội bớt sự bức xúc của các doanh nghiệp chạy xe tuyến cố định. Nhưng tôi cho rằng, lẽ ra, chúng ta nên giải quyết những vấn đề liên quan đến xe chạy hợp đồng, thì chúng ta lại định thay đổi toàn bộ cơ cấu, tổ chức của ngành vận tải liên tỉnh. Tôi cho rằng, rất khó khăn và e là không thành công.
Việc chuyển đổi này, nếu có, là một cuộc cách mạng, cần ít nhất 5-10 năm để chuẩn bị. Giờ với xe tư nhân, đâu phải bỏ tiền túi ra đầu tư là có thể thành tuyến xe buýt được đâu?
Có thể, có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng Hiệp hội vận tải Hà Nội thì không. Hiện Hà Nội đi 5 tỉnh đã có tuyến cố định liền kề. Mà chất lượng của chúng lại chưa tốt, khá nhếch nhác. Hà Nội có nhiều tuyến cao tốc đi các tỉnh, xe buýt liên tỉnh vào cao tốc thì lại thành thấp tốc, không lên xuống được giữa đường thì không thể gọi là xe buýt. Cần cân nhắc rất thấu đáo.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc đề xuất này không có gì mới?
Ông Bùi Danh Liên: Về sự thiếu công bằng giữa các loại hình vận tải khách tuyến cố định với xe hợp đồng trá hình, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần lên Chính phủ, đưa ra nhiều kịch bản. Nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để, xe limousine núp bóng xe hợp đồng vẫn lộng hành, nguy cơ làm phá vỡ các tuyến xe khách cố định mà hàng chục năm nay chúng ta dày công vun đắp, xây dựng.
PV: Còn ý kiến cho rằng, các nước khác không có tuyến xe khách cố định, ở Việt Nam tồn tại các tuyến này là do lịch sử để lại?
Ông Bùi Danh Liên: Một số người họ hiểu sai ý nghĩa của chữ “Bus” ở nước ngoài. Tôi đã đi và chứng kiến, Mỹ có buýt liên bang, buýt dọc bờ biển, Anh và Đức thì xe buýt chạy dài đều có bến xe cả, hay Singapore có cả xe buýt chạy sang Malaysia. Như vậy, “bus” ở đây là bao trùm các hoạt động vận tải khách trừ taxi. Không thể nói một chiều như ý kiến vừa nêu được.
PV: Nhưng có vẻ, xe hợp đồng đang được lòng hành khách hơn?
Ông Bùi Danh Liên: Chúng tôi ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động vận tải, chúng tôi cũng thấy việc xe hợp đồng đưa đón tận nhà hết sức thuận lợi cho người dân. Nhưng cũng không thể cho phép họ vào tất cả ngõ xóm. Ngay trước nhà tôi, có tới 5-6 xe limousine chen nhau tắc đường giờ cao điểm, tôi chỉ cho cơ quan chức năng nhưng cũng không giải quyết được.
Chúng ta có đầy đủ lực lượng, cũng có quy định siết chặt quản lý với xe hợp đồng rồi (và sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới), nhưng trách nhiệm thực thi, xắn tay vào cuộc thực tế để xử lý vi phạm thì lại chưa tốt. Theo tôi, mấu chốt của vấn đề phải là công bằng giữa các loại hình vận tải khách.
PV: Vậy theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, đâu là giải pháp để đảm bảo công bằng cho thị trường vận tải khách?
Ông Bùi Danh Liên: Bên cạnh việc sửa đổi các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ, Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, phù hợp hơn với thực tế, Bộ GTVT cần xem xét những giải pháp hết sức mềm mại.
Tại sao xe hợp đồng phát triển nhanh như vậy, vì phần lớn họ không đóng thuế. Loại hình này không quy định bán vé, vé là hóa đơn. Chúng tôi đã phản ánh với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để có chỉ thị các tỉnh,thành kiểm tra các đơn vị xe chạy hợp đồng là lâu nay họ có kê khai thuế, có tạo sự bình đẳng về thuế hay không.
Tuy nhiên, lại có thông tin là các cơ quan chỉ tập trung kiểm tra xe chạy tuyến cố định vì dễ quản lý hơn. Đúng là “gậy ông đập lưng ông”! Do đó, để giải quyết vấn đề thất thu thuế cho nhà nước từ hàng nghìn, hàng vạn xe hợp đồng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính phải ngồi lại với nhau.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ với VOVGT.