|
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường vào năm 2050.
|
Thuận lợi là có
Trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển.
Đây là cơ hội để Chính phủ Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.
Nhận định về thuận lợi, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) Nguyễn Thị Phương Hiền cho rằng, về công nghệ chế tạo xe điện, chúng ta đã khá sẵn sàng. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất xe điện có thể đáp ứng được, nhất là các dòng xe con, xe buýt và xe tải nhỏ.
Với sự tiến bộ của KHCN, giá xe điện sẽ ngày càng rẻ. Ước tính, vào giai đoạn khoảng 2026 - 2030, giá ô tô điện sẽ ngang bằng với xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có doanh nghiệp sản xuất xe điện, đó chính là thuận lợi lớn để chúng ta thực hiện được đúng theo đúng lộ trình đặt ra.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) cho biết, ô tô "xanh" có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng. Gần đây, Nghị định 57/2020/NĐ-CP được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ô tô, bao gồm cả xe điện.
Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).
Thách thức từ linh kiện nội địa
Mặc dù thuận lợi là có, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chính những cơ chế thông thoáng trong việc nhập khẩu linh kiện của xe điện được áp với mức thuế 0% do trong nước chưa sản xuất được đã tạo ra "rào cản" cho chính các DN cơ khi trong nước
Để dễ hình dung về bức tranh công nghiệp hỗ trợ trong nước, riêng mỗi chiếc xe đã có tới khoảng 30.000 linh kiện với mức độ phức tạp đa dạng, có thể chia làm 4 lớp. Thứ nhất là những linh kiện cồng kềnh hoặc cần nhiều nhân công như: ghế, hay bộ dây điện. Lớp thứ hai là các linh kiện thép và nhựa ép chất lượng cao. Thứ ba là toàn bộ thân vỏ xe và các linh kiện điện tử. Cuối cùng là động cơ và hộp số, được ví như trái tim của chiếc xe. Toàn bộ 3 lớp khó hơn Việt Nam đều phải nhập khẩu, thậm chí lớp thô sơ nhất là lớp đầu tiên, một phần cũng phải nhập khẩu.
So với các quốc gia như Thái Lan, hay Indonesia chỉ phải nhập khẩu 10% linh kiện sản xuất ô tô trong nước, con số 85% của Việt Nam phần nào nói lên khoảng cách giữa doanh nghiệp nội địa và các FDI đầu chuỗi.
Theo Bộ Công Thương, 70% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn… là những nguyên nhân mà các chuyên gia chỉ ra, khiến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mãi vẫn khó tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo đánh giá từ Bộ Công Thương, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Vì vậy, với trình độ công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Phan Long chia sẻ, 15 năm ngành cơ khí Việt Nam chậm phát triển hơn rất nhiều nước trong khu vực. Việc đổi mới trang thiết bị công nghệ không phải một sớm một chiều, phải có tiền, công nghệ, chính sách… Để cơ khí phát triển ngoài nỗ lực của chủ doanh nghiệp, phải có hệ thống chính sách đồng bộ.
|
Robot hàn tự động của VNAS.
|
Đã đến lúc những người làm chính sách, quy hoạch, lộ trình rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, con đường hình thành các trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp nói chung, cơ khí nói riêng là rất cần thiết. Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam với chiến lược của mình kết hợp chính sách của Nhà nước sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể phát triển cơ khí đất nước.
“Nếu có chính sách đúng của Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam phát triển công nghiệp cơ khí thành công” - ông Đào Phan Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn có số ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các doanh nghiệp đầu chuỗi lớn như LG, Samsung…
Trưởng Phòng Kinh Doanh Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Việt Nam Auto Solutions (VNAS) Nguyễn Ngọc Tú cho biết, đối với ngành sản xuất phụ trợ ô tô, xe máy điện ở Việt Nam, hiện các trạm hàn tự động của VNAS đang ứng dụng rất nhiều trong xe ô tô Vinfast về khung gầm, đơn cử như xe Lux A, Lux SA.
“Ứng dụng hàn dùng robot thay thế cho con người để cắt giảm chi phí nhân công - thứ mà sau dịch càng ngày càng hiếm, đắt đỏ lên. Ví dụ như về một cái trạm hàn tiêu chuẩn, nếu như trước để vận hành cần 3 người; một người để cấp đầu vào, một người để hàn, một người để cấp ra. Với công nghệ tự động, robot có thể làm công việc của cả 3 người” – ông Nguyễn Ngọc Tú thông tin.
Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với một trong các trọng tâm là phát triển các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường. |