Doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói gì khi giá xăng giảm?

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Điệp khúc “xăng tăng” trong thời gian qua khiến các DN kinh doanh vận tải phải loay hoay, tìm cách xoay sở trong thời bão giá. Ngày 11/7, giá xăng chính thức giảm khoảng 3.000đ/lít phần nào kéo DN khỏi bế tắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn còn nguyên nỗi lo giá xăng vẫn chưa ổn định.

Khấp khởi mừng

Tối muộn ngày 10/7, thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít và dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 800 đồng/lít, dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.

Đồng thời quyết định không chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với các loại xăng dầu. Theo đó, từ 0 giờ ngày 11/7, xăng E5RON92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON95 giảm 3.088 đồng; các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm mạnh từ 2.008 – 3.022 đồng/lít/kg.

Thông thường, giá mới sẽ được áp dụng từ 15 giờ theo chu kỳ. Tuy nhiên, đây cũng là kỳ điều hành mà chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường được áp dụng nên Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh ngay từ 0 giờ ngày 11/7.

Doanh nghiep kinh doanh van tai noi gi khi gia xang giam? - Hinh anh 1
 Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít từ ngày 11/7.

Sau nhiều kỳ tăng liên tiếp, việc giá xăng dầu giảm sâu lần này như một tín hiệu tích cực đối với người dân nói chung và đặc biệt là các DN kinh doanh vận tải, vốn đã điêu đứng suốt thời gian giãn cách do dịch Covid-19 lại chịu thêm tác động của giá nhiên liệu.

Chia sẻ với PV Giaothonghanoi, Giám đốc hãng xe Sao Việt – Đỗ Văn Bằng cho biết, thông tin giá xăng dầu giảm được coi là tín hiệu rất đáng mừng đối với DN. Trong thời gian qua, các DN đã phải rất đau đầu để cân đối vận hành khi giá xăng dầu liên tiếp bám đỉnh khiến nhiên liệu chiếm đến 35 – 40% cơ cấu chi phí. Đơn giá mới sẽ giúp các nhà quản lý DN có thêm cơ hội phục hồi, tái đầu tư cũng như đảm bảo đời sống hơn cho người lao động.

Đối với một số DN hoạt động theo kiểu giao khoán xăng dầu cho lái xe, khi giá nhiêu liệu tăng cao, đời sống bị trực tiếp ảnh hưởng khiến nhiều người phải tìm công việc mới vì nản. Tại kỳ điều chỉnh lần này, giá xăng giảm cũng được coi như một sự khích lệ đối với cả DN và người lao động.

Nhưng còn nhiều nỗi lo

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, hiện nay giá xăng bấp bênh dẫn đến các DN kinh doanh vận tải rất khó xoay sở để điều chỉnh giá cước chạy theo. Điều này gây gia tăng chi chí. Nên khi giá xăng giảm sẽ kìm hãm gia tăng lạm phát, DN ổn định và điều chỉnh thực tế với các chi phí cấu thành giá.

Tuy nhiên, song hành với sự phấn khởi vì giá xăng giảm, tâm lý các DN vẫn còn tồn tại nhiều nỗi lo. Ông Hoàng Trọng Long – Giám đốc hãng Taxi tải Hoàng Phương cho biết, dù đã được điều tại kỳ điều chỉnh lần này, nhưng không có cơ sở nào cho thấy giá xăng dầu trong nước sẽ ổn định hay tăng trở lại trong 15 ngày tới. “Nửa tháng là khoảng thời gian quá ngắn ngủi để DN chúng tôi kịp tính toán, cân đối chi phí hoạt động. Dù đã giảm nhưng giá xăng hiện nay vẫn không phải là thấp, chi phí cấu thành hoạt động không giảm, DN kinh doanh vận tải vì vậy mà vẫn chưa có điều kiện tái hồi phục”, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng giá xăng dầu giảm trong kỳ điều chỉnh này một phần theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới, đồng thời với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường chứ chưa hẳn đã được bình ổn. Mặt khác, thời hạn áp dụng chính sách đến hết năm 2022 là quá ít ỏi so với những ảnh hưởng các DN đã phải gánh chịu.

“Các nhà điều hành, quản lý Nhà nước cần kế hoạch dài hơi hơn với thời hạn tính theo nhiều năm, tận dụng mọi dư địa về chính sách, cơ chế, khi đó mới có thể trả lời được rằng DN kinh doanh vận tải có cơ hội tồn tại được hay không”, ông Đỗ Văn Bằng cho biết.

Liên quan đến công tác kiểm soát giá xăng dầu trong nước, trước đó Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Liên Bộ Công thương – Tài chính phải đánh giá, có giải pháp đủ điều kiện, đủ nguồn lực để phát huy được hiệu quả.

"Muốn kiểm soát giá, muốn điều hành tác động vào phải có nguồn lực. Giá xăng dầu nhập khẩu theo thị trường, muốn giảm chỉ có công cụ thuế, chi phí tiết kiệm mới giảm được; không thì bỏ tiền ngân sách ra bù, không còn cách nào khác”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

 

Tin liên quan