|
Xe khách biển kiểm soát 29B-02081 màu sơn vàng - đỏ giống màu xe buýt có lộ trình từ Bến xe Yên Nghĩa về huyện Phúc Thọ. |
Ngang nhiên vi phạm
Khảo sát của phóng viên sáng 14-12, tại số 1 đường Phạm Hùng, nhiều xe khách có màu sơn giống hệt xe buýt ngang nhiên đón, trả khách tại hành trình đưa đón của xe buýt thông thường. Ví như, xe khách BKS 29B-138.48 tuyến Trung Hà - Quảng Oai - Sơn Tây - Phủ Lý - Nam Định chạy từ đầu đường Phạm Hùng, vòng qua khu vực Bến xe Mỹ Đình, đón khách tại các điểm nhà chờ xe buýt và đi lên đường Vành đai 3 hướng đi Phủ Lý. Chiều 16-12, xe khách BKS 29B-020.81 có màu sơn vàng, đỏ giống màu xe buýt đi từ Bến xe Yên Nghĩa về huyện Phúc Thọ.
Tương tự, tại trước cửa số 8, 18, 202 Hồ Tùng Mậu... thường xuyên có hành khách ngồi ở nhà chờ xe buýt để bắt xe khách có màu giống xe buýt đi hướng thị xã Sơn Tây. Chiều 13-12, xe mang BKS 29B-157.48 ghi hành trình tuyến Mỹ Đình - Sơn Tây, nhưng bên cạnh đó vẫn kèm dòng chữ T.Hồng - Phú Cường. Điều đáng nói, xe có màu sơn vàng, đỏ như xe buýt nhưng nham nhở, cũ nát. Em Nguyễn Thị Hà, một sinh viên đón xe tại số 202 Hồ Tùng Mậu cho biết: Thời gian đầu Hà tưởng xe buýt thật nên lên xe nhưng giá vé lại là 15.000 đồng, trong khi giá của xe buýt thật là 7.000 đồng/vé/lượt. Khi Hà thắc mắc thì phụ lái cho biết đó là xe buýt tư nhân nên không bán theo giá quy định.
Tiếp tục ghi nhận tại Bến xe Giáp Bát, tình trạng xe khách có hình dáng và màu sơn như xe buýt khá phổ biến. Chị Lê Thùy Lương, phố Kim Đồng (quận Hoàng Mai) cho biết, đầu tháng 12-2019, một lần đi Hưng Yên, chị ra Bến xe Giáp Bát và lên "xe buýt" có màu sơn vàng, đỏ, ghi hành trình Giáp Bát - thị trấn Văn Giang. Tuy nhiên, mỗi hành khách phải trả 22.000 đồng/lượt mà không được nhận vé. Thậm chí, có một bác lớn tuổi cũng lên nhầm xe và ngỡ ngàng khi không những không được miễn vé đi xe buýt (như quy định của UBND thành phố Hà Nội) mà còn bị thu 22.000 đồng...
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng thanh tra đã kiểm tra, xử phạt 12 trường hợp vi phạm diễn ra ở đường Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Giáp Bát, quốc lộ 32... với các lỗi như: Dừng xe tại điểm đón trả khách của xe buýt; để hàng hóa trong khoang chở hành khách; không đóng cửa khi xe đang chạy. Điển hình là các xe: BKS 29B-101.62, BKS 29B-101.57, BKS 29E-020.33... Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, đa số các xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng lợi dụng có màu sơn tương tự như màu xe buýt để nhập nhằng đón khách. Một số xe được cải tạo, nâng cấp từ các xe chở khách đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn.
Cần giải quyết tận gốc
Về thực tế trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, các phương tiện vi phạm không chỉ cố tình dừng đón, trả khách tại các điểm thuộc nhà chờ, điểm đỗ xe buýt, mà một số còn ngang nhiên đỗ ở nơi có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe" và không chạy đúng hành trình quy định. Tuy nhiên, phần lớn khi bị kiểm tra, các lái xe đều chống chế do loại xe này không được bố trí điểm đón, trả khách, trong khi nhiều khách lại đứng chờ ở các điểm đón, trả xe buýt nên họ đành vi phạm. Đây là cách diễn giải vô lý vì theo quy định các xe khách, hợp đồng chỉ được phép đón, trả khách tại các bến xe, việc đi lòng vòng tìm khách, hẹn khách ở bến xe buýt là vi phạm.
Một nguyên nhân khác, do nhu cầu vận chuyển hành khách tăng cao, nên khi lực lượng thanh tra ra quân xử lý, vi phạm tạm lắng xuống, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn. Và một trong những nguyên nhân cơ bản là Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) không đăng ký độc quyền màu sơn và kiểu dáng cho xe buýt nên lực lượng chức năng không có căn cứ để xử lý hành vi nhái xe buýt.
Để hạn chế các xe khách nhái xe buýt, ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nêu quan điểm, bên cạnh việc yêu cầu lực lượng thanh tra tăng cường xử lý nghiêm các xe có dấu hiệu vi phạm, Sở còn phối hợp với cơ quan Công an thành phố Hà Nội, Transerco kiểm tra chéo thông tin trên hệ thống để kịp thời ngăn chặn phương tiện vi phạm. Về lâu dài, Sở đang nghiên cứu phát triển mạng lưới xe buýt phủ sóng rộng khắp các quận, huyện, dần thay thế và dừng hoạt động của các tuyến xe nội tỉnh.
Để bảo đảm quyền lợi cho hành khách, ông Phạm Văn Đạt, Đội trưởng Đội Kiểm tra giám sát, Transerco khuyến cáo, xe buýt thật được sơn màu vàng, đỏ hoặc màu xanh; phía đuôi xe có hình cách điệu của cánh chim hòa bình; đầu và đuôi xe dán số hiệu và lộ trình tuyến, tên đơn vị quản lý; sườn xe dán thương hiệu Hanoibus và số điện thoại đường dây nóng... Người dân nên quan sát kỹ trước khi lên xe để tránh nhầm lẫn...
Tuy nhiên, những giải pháp trên là chưa đủ bởi yếu tố gốc khiến các xe khách "ăn theo" xe buýt là màu sơn, dấu hiệu nhận biết riêng không được Transerco đăng ký độc quyền. Thiết nghĩ, đây là vấn đề không quá phức tạp, đề nghị Transerco, các cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm có giải pháp để việc loại bỏ xe buýt nhái được xử lý tận gốc, tránh hiện tượng nhập nhèm như hiện nay.