Thả nổi giá cước xe cứu thương: Người bệnh thêm thiệt thòi

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hiện nay, Hà Nội không có quy định cụ thể về giá cước xe cấp cứu tư nhân, nhiều nhà xe có dấu hiệu lạm thu khiến người bệnh gặp khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi TP cần xây dựng một khung giá cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

“Ngã ngửa” vì xe cấp cứu

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều hãng xe vận chuyển người bệnh được cấp phép hoạt động, tuy nhiên TP mới chỉ quy định bảng giá đối với Trung tâm cấp cứu 115 thuộc Sở Y tế Hà Nội. Không có khung giá chung, nhiều hãng xe cấp cứu vận chuyển người bệnh ngoài công lập đang áp mức giá cao ngất ngưởng, khiến bệnh nhân thêm thiệt thòi.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, trú tại Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Trong một lần gặp tai nạn, phải di chuyển bằng xe cấp cứu từ tòa nhà Keangnam trên đường Phạm Hùng đến bệnh viện Bạch Mai, quãng đường di chuyển hơn 7km, không dùng bất cứ loại thuốc, dịch vụ gì cũng không có y bác sĩ, nhân viên y tế đi cùng, tuy nhiên đến khi thanh toán hãng xe yêu cầu tôi phải trả 1,5 triệu đồng”.

Chị Tuyền cho rằng, trong những lúc cấp thiết như đi cấp cứu, không mấy ai có thời gian để trao đổi và thỏa thuận về giá cả. Bởi vậy, không ít nhà xe lợi dụng tình thế “bắt chẹt” người bệnh.

Tha noi gia cuoc xe cuu thuong: Nguoi benh them thiet thoi - Hinh anh 1
  Không có khung giá chung, nhiều hãng xe cấp cứu vận chuyển người bệnh ngoài công lập đang áp mức giá cao ngất ngưởng, khiến bệnh nhân thêm thiệt thòi.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Xa Hồng Quân trú tại Đà Bắc, Hòa Bình. Gia đình anh Quân cho biết: “Khi đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức, cháu Quân không may mắc Covid-19 nên chuyển sang bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Sau khi điều trị khỏi Covid-19, gia đình được điều dưỡng của bệnh viện giới thiệu một hãng xe vận chuyển người bệnh bên ngoài để di chuyển về bệnh viện Việt Đức”.

Sau khi chuyển viện cho người thân, người nhà bệnh nhân Xa Hồng Quân “ngã ngửa” khi biết giá cước cho quãng đường khoảng 20km là 1,6 triệu đồng. Đại diện gia đình bệnh nhân Xa Hồng Quân đặt câu hỏi: “Liệu có sự liên kết giữa bệnh viện với công ty kinh doanh xe cứu thương kia để “làm giá” hay không?”.

Trao đổi với PV Giaothonghanoi, ông Ngô Văn Hưng, Trưởng phòng Hành chính Quản trị bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết: “Bệnh viện đã làm việc với điều dưỡng Đỗ Thị Thanh Hằng. Được biết, tại thời điểm bệnh nhân ra viện bệnh viện Việt Đức không có xe đón bệnh nhân, bệnh viện bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đang tạm thời hết xe nên điều dưỡng có cho số điện thoại của một trung tâm cấp cứu để gia đình bệnh nhân tự liên hệ”.

Theo ông Hưng, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương không có chủ trương giới thiệu hay gọi xe vận chuyển người bệnh bên ngoài cho bệnh nhân. Trong trường hợp thiếu xe vận chuyển, bệnh nhân có thể lùi ngày ra viện hoặc tự túc gọi xe vận chuyển bệnh nhân ở bên ngoài. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp phát sinh như người nhà bệnh nhân nhờ y bác sĩ giới thiệu hoặc gọi hộ xe cấp cứu.

Ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt, cho biết: “Đối với việc vận chuyển người bệnh trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi chia làm 3 khu vực là khu vực 1 là 650.000 đồng, khu vực 2 là 1,2 triệu đồng và khu vực 3 từ 1.5 - 1,8 triệu đồng. Ngoài ra, mức giá có thể thay đổi theo yêu cầu cung cấp dịch vụ của khách hàng. Đây là lĩnh vực phục vụ theo yêu cầu, không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên không có quy định chung về giá”.

Luật sư Phan Thị Thanh Hiền phân tích: “Tuy nói giá cước là do tự người nhà bệnh nhân và các hãng xe thoả thuận, nhưng đó không phải là lý lẽ tuyệt đối. Trong trường hợp khẩn cấp nhiều người không kịp mặc cả, hoặc nhà xe cũng “lúc nhớ, lúc quên” báo giá trước. Không có khung giá chung, đôi khi người dân lâm vào thế yếu, buộc phải chấp nhận giá cước do nhà xe đưa ra”.

Bảo vệ quyền lợi cho người dân

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết: “Đối với việc vận chuyển người bệnh ngoài bệnh viện, trung tâm tính giá theo Quyết định số 45/2017/QĐ-UBDN. Cụ thể, khoảng cách từ 11-20km là 830.000 đồng, khoảng cách từ 21-30km là 950.000 đồng…”.

Theo ông Trần Anh Thắng, mỗi chuyến xe vận chuyển bệnh nhân gồm có 3 người, trong đó có lái xe, điều dưỡng và y bác sĩ. Ngoài giá được tính theo km niêm yết trên xe, trong quá trình vận chuyển bệnh nhân, trung tâm cấp cứu 115 không thu thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào.

“Trong trường hợp một số bệnh viện quá tải lượng bệnh nhân cần sử dụng xe cấp cứu để chuyển viện hay di chuyển từ viện về nhà khi có yêu cầu, chúng tôi vẫn tham gia hỗ trợ” – ông Trần Anh Thắng thông tin thêm.

Có thể thấy, hai mức giá mà vị lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 và Giám đốc Công ty Bắc Việt đưa ra chênh lệch nhau từ 30 - 50%, khi có y bác sỹ đi kèm mức chênh lệch còn cao hơn nữa. Luật sư Phan Thị Thanh Hiền còn cho rằng: “Việc y, bác sỹ, điều dưỡng của các bệnh viện giới thiệu xe cứu thương bên ngoài với giá cao cho bệnh nhân rất đáng để suy nghĩ. Trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến nghi vấn có sự móc ngoặc, làm giá, thổi giá. Nếu có một mức giá chung quy định cho loại hình xe cứu thương ngoài công lập, ai cũng biết rõ thì sẽ không còn hồ nghi nữa”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu sử dụng xe vận chuyển người bệnh ngày một tăng cao nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc thả nổi giá cước xe cứu thương cho các doanh nghiệp tư nhân tự áp đặt có thể gây khó khăn cho người bệnh và gia đình. Bên cạnh đó, khi phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn cơ quan quản lý nhà nước cũng không có căn cứ, cơ sở nào để làm rõ đúng sai, bảo vệ quyền lợi cho người dân.  

Các chuyên gia nhận định, cần có một quy định chung về giá vận chuyển người bệnh cụ thể theo từng km hoặc từng vùng miền. Giá cước chung sẽ là căn cứ để cả người dân và doanh nghiệp khai thác dịch vụ này hài hòa lợi ích. Đặc biệt doanh nghiệp sẽ không chệch hướng, lãng quên trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội cũng như chính thương hiệu của mình.

Tin liên quan