|
Lực lượng CSGT xử lý người không đội MBH khi tham gia giao thông. Ảnh: Công Trình |
Dấu hiệu nhờn thuốc
Từ khi quy định người điều khiển xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe tương tự phải đội MBH khi tham gia giao thông, tình trạng người tham giao thông “đầu trần” diễu phố đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau một thời gian dài dường như thiếu đi sự quyết liệt xử lý nên có một số lượng không nhỏ trường hợp cố tình vi phạm. Điều đáng nói, trong số những trường hợp vi phạm có rất nhiều học sinh – thế hệ tương lai của đất nước.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số tuyến đường như Tôn Thất Tùng (Đống Đa), Xuân La (Tây Hồ), Bách Khoa (Hai Bà Trưng)… nơi tập trung nhiều cơ sở giáo dục, tình trạng học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh chở con em đến trường không đội MBH diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói, khi được hỏi, nhiều người dù nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn viện đủ lý do để biện minh.
Một trong nhưng lý do phổ biến nhất là “vội quá nên quên”, “nhà gần”… Thậm chí, không ít người trẻ khi bị lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra, xử lý sẵn sàng nộp phạt, dùng biên lai làm “lá bùa” cho vi phạm trên cung đường mới.
Xử lý nghiêm, không có vùng cấm
Thiếu tá Đặng Hồng Giang – Đội trưởng Đội CSGT Đường sắt, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, thực hiện kế hoạch của Phòng CSGT về tăng cường các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả việc chấp hành các quy định của pháp luật về đội MBH khi tham gia giao thông, đơn vị đã bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Đối với các trường hợp người vi phạm là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an Nhân dân, ngoài việc lập biên bản, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ sẽ ghi lại thông tin báo cáo lãnh đạo Công an TP để xử lý theo quy định. Đối với trường hợp là cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, cơ quan, học sinh, sinh viên các trường, đơn vị… trên địa bàn TP, ngoài việc lập biên bản, đơn vị sẽ gửi lấy thông tin, báo cáo Phòng CSGT để xử lý theo quy định.
Ghi nhận cho thấy, thời gian gần đây, phong trào đội MBH khi tham gia giao thông, “đội MBH cho con trọn tình cha mẹ”… đang có dấu hiệu đi vào thoái trào. Do đó, việc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm xem như "liều vaccine" nhắc lại cần thiết để chữa trị căn bệnh kém ý thức. Tuy nhiên, để chiến dịch đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững… ngoài việc xử lý nghiêm, không có vùng cấm, các đơn vị chức năng cần phải thực hiện nghiêm túc việc công khai danh tính của những người vi phạm, đặc biệt với các công chức, viên chức, chiến sĩ trong chính lực lượng để tạo sức răn đe.
Theo số liệu thống kê của Đội CSGT Đường sắt, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ ngày 1 – 30/3, đơn vị này đã xử phạt 415 trường hợp người tham gia giao thông không đội MBH, phạt tiền hơn 58 triệu đồng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 118 bộ giấy tờ các loại.