Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019 đạt 3.590 tỷ đồng; trong đó xe ôtô là 2.825 tỷ đồng, xe máy là 765 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện chính sách quản lý bảo hiểm xe máy bắt buộc.Ảnh minh họa
|
Cục này cho biết nếu chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định, ước tính chi phí bồi thường trong năm 2019 chỉ là 972 tỷ đồng. Trong đó, số tiền bồi thường cho các vụ tai nạn ôtô là 927 tỷ đồng và xe máy là 45 tỷ đồng, lần lượt tương đương 32,8% và 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng trong khi số tiền đã bồi thường là 45 tỷ đồng, tương đương 6% doanh thu. Nếu cứ duy trì tình trạng này, sẽ tạo ra sự bất công cho người tham gia bảo hiểm.Mức chi thấp cho thấy đã đến lúc cần xem xét lại các quy định về trách nhiệm, mức bồi thường cũng như nguyên tắc bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.
Trước thực tế này, ngày 22/5, Bộ Tài chính đã có Thông báo số 349/TB-BTC thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý, giám sát nhằm nâng cao chất lượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương hoàn thiện trình Bộ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ) trong tháng 5/2020 theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, tăng cưòng giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề trong tháng 5/2020 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới, trong đó chú trọng bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe mô tô, xe gắn máy, thời kỳ 2018 - 2019 đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu tổ chức rà soát trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại. Trường hợp các đoàn kiểm tra phát hiện hoặc qua công tác rà soát phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm hành chính, thì đề nghị lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.