Chật vật xử lý “ma men” sau tay lái

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, lực lượng chức năng của Hà Nội đã tích cực vào cuộc kiểm tra, nhằm xử lý các tài xế vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi lái xe. Song thực tế còn không ít khó khăn, hiệu quả xử lý, ngăn chặn “ma men” sau tay lái vẫn chưa thể khiến dư luận yên tâm.

Chat vat xu ly “ma men” sau tay lai - Hinh anh 1
Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Thanh Hải

Ráo riết xử lý

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do các “ma men” sau tay lái gây ra, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực nhất, vào cuộc ráo riết, kiểm tra nồng độ cồn và chất ma tuý đối với lái xe, đặc biệt là người điều khiển ô tô. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP, liên ngành Thanh tra Sở GTVT - Công an TP - Sở Y tế đã lập nhiều đoàn kiểm tra, đóng chốt trên các tuyến đường xung yếu như QL2, QL32, QL6… và các bến xe lớn.

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến cho biết, việc kiểm tra đột xuất nồng độ cồn và các chất gây nghiện đối với lái xe của các DN kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục. “Nhiều Tổ công tác liên ngành đã được rải trên các tuyến đường, luân phiên qua các bến xe: Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Giáp Bát. Một số trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn, dương tính với ma túy đã bị phát hiện, xử phạt nghiêm khắc”.

Thượng úy Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thông tin thêm, các đội địa bàn đã được chỉ thị mật phục xung quanh khu vực có nhiều quán nhậu, nhà hàng, theo dõi, kiểm tra, xử lý hàng loạt người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. “Khi phát hiện tài xế vi phạm quy định về nồng độ cồn, chúng tôi đã tạm giữ xe, buộc họ đi bằng phương tiện khác về để tránh gây TNGT đáng tiếc” - Thượng úy Trần Quang Chinh chia sẻ.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, với lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội lên đến vài triệu chiếc, thì vài chục trường hợp bị kiểm tra, xử lý hàng ngày chẳng thấm vào đâu. Nguy cơ xảy ra TNGT thảm khốc do “ma men” cầm tay lái vẫn hiện hữu, khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Chờ giải pháp căn cơ

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông chia sẻ: “Hiện vẫn còn không ít người chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi say xỉn lái xe. Điều đó cho thấy, việc tăng cường giáo dục ý thức người lái xe vô cùng quan trọng, cần được quan tâm hơn nữa”. Sự giáo dục, trước hết, phải đến từ mỗi gia đình, mỗi người dân. Sau đó phải được tăng cường bằng việc xây dựng văn hóa giao thông nói chung trong xã hội. “Cần phải song song giáo dục và răn đe. Chế tài xử phạt hiện nay đã có nhưng chưa đủ nặng, hơn nữa việc thực hiện chưa thực sự nghiêm minh, hiệu quả nên nhiều tài xế còn coi thường” - ông Thông đánh giá.

Hiện dư luận xã hội đang rất mong chờ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng sửa đổi luật, tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi say xỉn lái xe. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc quản lý lái xe kinh doanh vận tải, bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp phải giao cho các DN tự chịu trách nhiệm. Không một cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát, kiểm soát lái xe hiệu quả hơn DN.

Sau một số vụ TNGT nghiêm trọng do tài xế xe tải, xe khách vi phạm nồng độ cồn hoặc sử dụng chất ma túy vừa qua, các DN, đơn vị quản lý trực tiếp người lái xe đã bị xử phạt nặng, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh. Điều đó cho thấy, các DN nếu không tập trung quản lý tốt người lao động là đang đánh cược với chính tài sản, uy tín và cơ hội phát triển của mình. Cùng đó, việc quản lý, giám sát DN cũng cần được tăng cường, quyết liệt và minh bạch hơn nữa mới góp phần tích cực vào việc ngăn chặn “ma men” cầm lái.

Minh Tường

Tin liên quan