Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về việc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo quy hoạch, tuyến Nha Trang - Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 99 km. Điểm đầu giao cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất trước mắt đầu tư đoạn tuyến Nha Trang - Đà Lạt dài 80,8km.
Dự án được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (chiều rộng nền đường 22-24,75m), vận tốc thiết kế 80-100km/h, điểm đầu giao cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà, điểm cuối giao với Quốc lộ 27C tại ngã ba Đarahoa, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Đoạn còn lại dài 18,2km sẽ đầu tư khi có nhu cầu và cân đối về nguồn lực.
|
Cần bổ sung đánh giá về nguồn vốn của dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Ảnh minh hoạ |
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1.171 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị 18.889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 1.511 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng 427 tỷ đồng; chi phí dự phòng 3.060 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án năm 2024-2028, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2024-2025; giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026-2028.
Bộ GTVT cho hay, quy mô đầu tư dự án cao tốc Nha Trang- Đà Lạt là phù hợp theo quy hoạch được duyệt.
Theo nghiên cứu sơ bộ, lưu lượng xe trên cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đến năm 2030 khoảng 7.334 xe/ngày/đêm (tương ứng 2 làn xe). Đến năm 2035 khoảng 10.827 xe/ngày/đêm (tương ứng với 4 làn xe).
Riêng nguồn vốn thực hiện dự án, địa phương đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của ngành GTVT.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, khả năng cân đối vốn để đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trong giai đoạn 2026- 2030 của Bộ là rất khó khăn và đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho dự án từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa báo cáo về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án nên chưa có cơ sở xem xét, đánh giá việc triển khai đầu tư dự án trước năm 2030 nên cần bổ sung đánh giá về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng của dự án, theo Bộ GTVT, chi phí xây dựng của dự án được xác định trên cơ sở suất vốn đầu tư của dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Chi phí thiết bị được xác định theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác được xác định bằng 8% chi phí xây dựng và thiết bị; Chi phí dự phòng khoảng 15% là phù hợp theo quy định.
"Tuy nhiên, suất đầu tư của dự án khoảng 290 tỷ đồng/km cao hơn suất vốn đầu tư dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (275 tỷ đồng/km) và cao hơn suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành (193 tỷ đồng/km). Bước lập chủ trương đầu tư cần tính toán, chuẩn xác lại tổng mức đầu tư", Bộ GTVT khuyến nghị.