Vi phạm để “né” nắng
Việc chấp hành các quy tắc, biển báo, vạch kẻ đường là một điều bắt buộc của các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng cao điểm ở Hà Nội, khi lưu thông trên đường, không ít người đã lựa chọn dừng xe tại các bóng râm để “né” nắng nóng.
Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, hầu hết các tuyến đường có bóng râm khu vực gần đèn đỏ, người điều khiển xe gắn máy bất ngờ dừng xe dưới các bóng cây. Việc dừng chờ đèn tín hiệu dưới bóng cây không chỉ là nguyên nhân gây ùn tắc mà còn gây giật mình cho người tham gia giao thông phía sau.
|
Nhiều người đứng vào bóng râm, chiếm hết làn đường quay đầu. |
Phân trần cho việc cố tình đỗ xe chờ đèn đỏ sai quy định, chị Lê Ngọc Anh, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Do sức khỏe không được tốt nên không dám đứng chờ đèn đỏ quá lâu dưới nắng”.
Chị Lê Ngọc Anh thừa nhận việc nắm rõ quy định về xử phạt nhưng chấp nhận, chỉ những chỗ xuất hiện lực lượng Cảnh sát giao thông mới chấp hành đứng chờ đèn đỏ đúng quy định.
Anh Trần Văn Tú trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Tôi không nắm rõ việc đỗ xe dưới bóng dâm để chờ đèn đỏ thì bị xử phạt. Thấy mọi người dừng nên tôi dừng theo. Nhưng việc dừng xe dưới nắng giữa trưa ở Hà Nội những ngày qua để chờ đèn đỏ đến hơn một phút thì rất nóng”.
Anh Tú cho rằng, việc dừng xe dưới bóng râm cách đèn đỏ vài chục mét cũng thấy không nên nhưng vì nắng quá nên nhiều lúc tranh thủ đứng một lúc rồi đi ngay.
Anh Nguyễn Bá Tài, một tài xế taxi thường xuyên di chuyển trên đường chia sẻ: “Từ ngày nắng nóng gay gắt, tôi phải giảm tốc độ từ xa mỗi khi phía trước có đèn đỏ vì nhiều người bất ngờ phanh gấp khi thấy bóng cây. Có lúc hàng chục người tạt ngang, tạt dọc để di chuyển đến chỗ có bóng mát đứng”.
Anh Nguyễn Bá Tài cũng thông tin, nhiều người còn sẵn sàng đỗ lấn làn rẽ hoặc quay đầu gây ùn tắc giao thông.
|
Hàng chục người nép dưới bóng râm của nhà ga đường sắt trên cao chờ đèn đỏ. |
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hải – Trưởng văn phòng luật Hải Thanh nhận định, hành vi dừng xe dưới bóng râm không chỉ vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho chính người mình và những phương tiện lưu thông trên tuyến đường.
Phạt đến 400 nghìn đồng
Luật sư Phạm Thanh Hải cho biết, theo quy định hiện hành, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ, khi dừng xe, đỗ xe trên đường, người điều khiển phương tiện xe máy cần tuân thủ các quy định sau: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
|
Một bóng cây nhỏ cũng bị tận dụng làm chỗ dừng xe. |
Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí như: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Che khuất biển báo hiệu đường bộ…
Như vậy, hiện không có quy định cụ thể về việc cấm dừng xe trên đường bộ, mà chỉ có quy định cấm dừng xe trên một số phần đường theo Điều 18 Luật giao thông đường bộ. Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT (được ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT) thì vị trí mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.122 là vạch dừng (vạch 7.1).
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021), hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, sẽ bị phạt tiền từ 300.000- 400.000 đồng.
|
Xe máy đứng dưới bóng râm khiến các phương tiện phía sau không thể di chuyển. |
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định các hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng.
“Như vậy, trường hợp nơi có bóng râm cũng là nơi có vạch dừng xe và người điều khiển phương tiện giao thông dừng ngay tại đó thì vẫn đúng quy định. Còn nếu vạch dừng và nơi có bóng râm cách xa nhau, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn chọn dừng ngay tại nơi có bóng râm thì có thể bị phạt tiền tới 400.000 đồng”, luật sư Phạm Thanh Hải cho biết thêm.
Dương Đạt