Khởi tố nữ tài xế không cứu người gặp nạn trong tình trạng nguy hiểm

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Phát hiện người gặp nạn trong vụ va chạm với xe của mình đang ở tình trạng nguy hiểm nhưng nữ tài xế đã bỏ đi mà không cứu giúp.

Khoi to nu tai xe khong cuu nguoi gap nan trong tinh trang nguy hiem - Hinh anh 1
 Ảnh minh họa.

Sáng 31/1, thông tin từ VKSND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, trú huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Theo cơ quan điều tra, khoảng 22h ngày 2/10/2022, Hằng điều khiển ô tô mang BKS 84L - 4036 chở theo Vương Kim Trực (SN 1985) và Vương Đình Quang (SN 2003), cùng trú tai huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, lưu thông tại khu vực huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Khi đi đến Km 491+390 thuộc tổ dân phố 10, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh thì Hằng dừng xe bên đường để xuống đi vệ sinh. Lúc này xe của Hằng xảy ra va chạm với xe máy mang BKS 38P1 - 053.18 do anh Nguyễn Công Phường (SN 1991, trú tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển, đang lưu thông theo Nam – Bắc.

Sau va chạm, anh Nguyễn Công Phường ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Lúc này Nguyễn Thị Hằng lên ô tô di chuyển tiếp, để mặc Nguyễn Công Phường lại hiện trường.

Tiếp đó, xe tải đông lạnh mang BKS 49C - 103.19 do Tưởng Văn Danh (trú tại tỉnh Quảng Bình) điều khiển, lưu thông trên QL1A theo hướng Nam - Bắc chạy tới, do thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã cán qua người của anh Nguyễn Công Phường khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tưởng Văn Danh, về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng trước pháp luật.

Theo quy định khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn. Trường hợp, nếu người nào có hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông là vi phạm pháp luật. Nếu một cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tổ chức không cứu giúp người bị nạn bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Trường hợp, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc những trường hợp khác theo quy định nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với khung hình phạt tương ứng. 


Tin liên quan