Chiều 19/5, trực tiếp lưu thông trên một số tuyến phố nội thành Hà Nội, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng biển báo cấm bị người tham gia giao thông, chủ phương tiện “phớt lờ” vẫn diễn ra nhan nhản.
Điển hình là tuyến đường Cát Linh, để phục vụ thi công ga dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội - Nhổn, Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm lưu thông một chiều đường từ đoạn giao với phố Trịnh Hoài Đức đến nút giao Giảng Võ - Hào Nam.
Tuy vậy, theo quan sát, hàng ngày, cả nghìn phương tiện, trong đó có cả ô tô từ hướng Văn Miếu về vẫn vô tư tiến vào đoạn đường chật hẹp, chỉ rộng khoảng 2m đi về phía đường Giảng Võ. Thậm chí, trong giờ cao điểm, dù tổ công tác gồm công an, trật tự viên phường sở tại ra cắm chốt phân luồng song nhiều xe vẫn cố tình “vượt rào” khiến xung đột giao thông xảy ra thường xuyên.
Hay tại các cầu vượt: Láng Hạ - Thái Hà, Láng Hạ - Lê Văn Lương được cơ quan chức năng lắp đặt biển cấm xe máy trong khung giờ cao điểm: 6h - 9h, 16h30 - 19h30 nhưng hơn 2 năm nay, biển cấm vẫn nằm đó còn người đi xe máy vẫn chen chúc với ô tô, buýt BRT lên cầu vượt lưu thông.
Trên một số tuyến phố khác như: Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Hoàng Quốc Việt,... biển báo cấm dừng, đỗ cũng trở nên “vô hại” khi liên tiếp các ô tô lớn nhỏ thi nhau án ngữ dưới lòng đường. Trên đường Thái Hà, dù biển báo cấm rẽ trái từ đường Thái Hà ra đường Hoàng Cầu được lắp đặt để tránh xung đột giữa các hướng phương tiện song cũng bị người dân “phớt lờ”.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ngoài ý thức của một số người dân, việc cắm biển báo của Hà Nội tại nhiều tuyến đường cũng còn thiếu hợp lý. “Đơn cử là việc cấm xe máy lên hai cầu vượt trên trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương trong giờ cao điểm để ưu tiên cho xe buýt nhanh (BRT). Thực tế, lưu lượng trên cung đường này rất lớn, chưa kể 1/3 mặt đường đã bị cắt ra để làm làn riêng cho BRT. Do đó, tại những vị trí cầu vượt không nên cấm xe máy để dòng phương tiện được thông thoát. BRT chạy cùng xe máy trên cầu vượt có thể chậm mấy mấy phút nhưng vẫn hơn là để hàng nghìn phương tiện bị ùn tắc ở đường dưới”, ông Tạo nói.
Cũng theo ông Tạo, công tác cắm biển cấm để đạt được hiệu quả thì trước hết cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hình thành một hệ thống giao thông chuẩn mực, phải phân tích tình hình thực tế khoa học, dự báo được cụ thể mật độ giao thông sẽ thay đổi thế nào, tuyến luồng sẽ được thông thoát ra sao khi áp dụng lệnh cấm.
“Công tác xử phạt cũng cần phải nghiêm ngặt hơn, không để tình trạng cắm xong để đó, không có sự thực thi pháp luật dẫn đến tâm lý “nhờn luật”. Nếu lực lượng mỏng, chúng ta phải giải quyết bằng phương pháp phạt nguội, dùng camera giám sát để tăng tính răn đe và phát huy được tác dụng của biển báo”, ông Tạo nói.