Sau hơn một tháng kể từ khi “phố cà phê đường tàu” ở khu vực phố Trần Phú, Phùng Hưng (Hà Nội) được rào chắn và có lực lượng chốt trực buộc phải dừng hoạt động vì vi phạm ATGT đường sắt, thì lại xuất hiện một phố “cà phê đường tàu” khác thuộc địa bàn phường Khâm Thiên với các chiêu thức kinh doanh tương tự.
|
Kinh doanh trên đường sắt tại đoạn đường tàu “phố nhà Dầu”. (Ảnh chụp chiều 23/11) |
Xuất hiện phố “cà phê đường tàu” mới
Khoảng 14h ngày cuối tuần vừa qua, PV Báo Giao thông có mặt tại gác chắn đường tàu phố Khâm Thiên, thi thoảng thấy khách du lịch nước ngoài đi qua gác chắn để vào các quán cà phê nằm ven đường tàu trên đoạn khoảng 300-400m, song song với phố Lê Duẩn. Mỗi khi có khách du lịch đến, nhân viên gác chắn đều thổi còi, chỉ tay vào tấm biển cảnh báo nguy hiểm viết bằng song ngữ Việt - Anh. Thế nhưng, cũng chẳng thể ngăn nổi những vị khách này, trong khi đó một vài chủ quán cà phê đon đả tay cầm thực đơn, mời chào và dẫn khách vào quán. Chủ quán nhiệt tình mời PV vào thưởng thức cà phê.
Từ gác chắn tàu Khâm Thiên (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) đi theo đường tàu vào khoảng hơn 100m thấy hàng chục quán cà phê phía bên trái bày bàn ghế sát đường tàu, có quán bày cả bàn ghế và có khách đang ngồi uống cà phê trên đường ray. Dọc đoạn đường tàu khoảng 300m, nhộn nhịp cảnh tượng khách du lịch đi lại, chụp ảnh trên đường ray, ngồi uống cà phê bên đường sắt để… đợi tàu chạy qua. Một hướng dẫn viên du lịch đang đưa đoàn khách du lịch Indonesia có mặt tại đây cho biết, công ty giới thiệu địa điểm cho khách và khi khách có nhu cầu sẽ đưa đến.
Khoảng 14h30 chiều, các chủ quán báo cho khách biết sắp có tàu đi qua và hướng dẫn khách đứng lên, đi sang phía đường có lối đi rộng khoảng chừng chưa đến 1m và đứng thật sát mép tường để tránh tàu; đồng thời nhanh chóng thu dọn bàn ghế. Ít phút sau, một đoàn tàu từ phía ga Hà Nội xuất hiện, bật đèn sáng lao rầm rập chạy qua trong lúc hàng trăm người đứng sát đường tàu để ngắm nhìn, chụp ảnh. Một luồng gió mạnh hun hút, nguy hiểm xuất hiện theo hướng tàu chạy và chắc không ai biết hậu quả sẽ thế nào nếu ai đó vô tình đi ra khỏi chỗ tránh tàu, tiến gần hơn đường ray trong lúc tàu đang chạy qua.
Đoàn tàu vừa qua, các hàng quán lại nhanh chóng bày lại bàn ghế, đường tàu, ven đường ray lại thành nơi buôn bán và thăm thú của khách du lịch. Một số chủ quán cho biết, tên gọi dân gian của khu này là “phố nhà Dầu” và sau khi đoạn phố “cà phê đường tàu” ở Trần Phú, Phùng Hưng bị quản chặt, khách du lịch không vào được nên nhiều người tìm đến đây. Theo quan sát của PV, ngoài hơn chục quán cà phê hiện có, 3 - 4 nhà khác đang xây sửa để mở quán.
Cùng ngày, chúng tôi trở lại phố “cà phê đường tàu” đoạn phố Trần Phú, Phùng Hưng, thấy lực lượng chức năng của phường sở tại duy trì chốt trực (thực hiện từ ngày 10/10) nên không còn du khách ra vào. Không ít khách du lịch sau khi không được vào “phố cà phê đường tàu” này liền đi trên cầu Long Biên và trèo vào đường sắt trên cầu để quay phim, chụp ảnh.
Ông Uông Đình Hùng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường sắt VN cho biết, thời gian qua, vi phạm ATGT đường sắt khu vực nội đô Hà Nội “nóng” nhất là “cà phê đường tàu” đoạn phố Trần Phú, Phùng Hưng liên quan đến hoạt động du lịch. Nhằm bảo đảm ATGT, Cục Đường sắt VN đã triển khai đủ các biện pháp quản lý thuộc thẩm quyền, kể cả xử lý vi phạm. “Đối với các điểm mới phát sinh, chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để đảm bảo TTATGT”, ông Hùng cho biết.
Nghiên cứu khu vực kinh doanh ngoài phạm vi công trình đường sắt
|
Từ ngày 10/10, phố cà phê đường tàu Trần Phú, Phùng Hưng được rào chắn, có lực lượng của phường sở tại chốt trực ngăn khách du lịch vào |
Gần đây, “cà phê đường tàu” tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận, với tình trạng lộn xộn, vi phạm TTATGT, nhất là khu vực phố Trần Phú, Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Trước tình trạng này, từ ngày 10/10 đến nay, lực lượng chức năng của phường sở tại lập rào chắn và chốt trực không để khách du lịch đi vào khu vực trên. Việc này cũng kéo theo việc kinh doanh đồ uống các hộ dân nơi đây bị ngưng trệ.
Do đó, người dân gửi đơn đến Chính phủ, các bộ, ngành kiến nghị đề xuất được áp dụng một số biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt tại “phố cà phê đường tàu” (như kẻ vạch sơn ranh giới, gắn biển, lắp chuông cảnh báo, kinh doanh trong thời gian nhất định, lắp camera, đề nghị tàu chạy chậm...) và tiếp tục được kinh doanh phục vụ du lịch, đảm bảo đời sống. Trong đơn người dân cho biết, hầu hết hộ dân là người lao động trong ngành đường sắt, được cơ quan phân đất tại đây và đã sinh sống hơn 50 năm, trước khi có các quy định về hành lang an toàn đường sắt.
Được biết, mới đây Bộ GTVT có văn bản trả lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến kiến nghị nghiên cứu, đề ra các giải pháp thích hợp vừa để đảm bảo đời sống, kinh doanh của các hộ dân, phát triển du lịch và ATGT của tuyến đường tàu nội đô TP Hà Nội. Bộ GTVT cho biết, một trong những giải pháp là chỉ đạo Cục Đường sắt VN tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; đồng thời chủ động phối hợp với UBND cấp quận, phường sở tại nghiên cứu bố trí khu vực hợp lý ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để tạo điều kiện đời sống, kinh doanh của các hộ dân trong khu vực và đảm bảo ATGT đường sắt theo quy định.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chủ trì giải tỏa các công trình vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thực hiện việc di dời tái định cư cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt theo quy định pháp luật đường sắt. Bộ GTVT cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo cấp quận, phường phối hợp với đơn vị quản lý trực tiếp tuyến đường sắt liên quan tổ chức rà soát, thống kê và phân loại các công trình vi phạm, gây ảnh hưởng đến an toàn đường sắt. Đồng thời, công bố công khai các mốc chỉ giới bảo vệ hành lang an toàn đường sắt đã được phê duyệt cho người dân trong địa bàn biết.