Cần quyết liệt hơn để đánh giá kết quả phân làn đường Nguyễn Trãi

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau 1 tháng thí điểm điều chỉnh tổ chức phân làn giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi, tình hình giao thông trên tuyến đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn còn xuất hiện nhiều điểm ùn ứ. Không ít phương tiện vẫn lưu thông kiểu mạnh ai nấy đi, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những biện pháp quyết liệt, triệt để hơn nữa.

Còn 5 điểm ùn ứ

Sau 1 tháng từ ngày 6/8, triển khai thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân), Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho rằng, tình hình giao thông trên đoạn đường này đã có cải thiện, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều ở cả 2 hướng, tình trạng ùn ứ giao thông đã giảm; các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn.

Ngoài ra, Sở GTVT cho biết, một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức hơn đi đúng phần đường của mình khi lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi; đồng thời, phương tiện xe buýt lưu thông thuận tiện, đi đúng làn đường và trật tự hơn, góp phần giảm ùn ứ giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Báo cáo UBND TP Hà Nội về các tồn tại, bất cập, theo Sở GTVT, dù thời gian thí điểm đã hình thành ý thức cho người tham gia giao thông nhưng điều này chưa nhiều và vẫn cần các lực lượng hướng dẫn giao thông túc trực; vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại (đặc biệt theo chiều đường từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến). 

Can quyet liet hon de danh gia ket qua phan lan duong Nguyen Trai - Hinh anh 1
Tình hình giao thông trên đoạn đường này đã có cải thiện, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều ở cả 2 hướng, tình trạng ùn ứ giao thông đã giảm; các phương tiện lưu thông đã trật tự hơn. Ảnh: Phạm Công

Về tình trạng ùn ứ giao thông trong khung giờ cao điểm, theo thống kê vẫn xảy ra tại các khu vực gần các nút giao thông (Ngã Tư Sở, Vũ trọng Phụng), khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, các điểm quay đầu trên tuyến…

Cụ thểvào khung giờ cao điểm buổi sáng xảy ra ùn ứ ở 2 khu vực: điểm giao với đường Khương Đình (sau ga đường sắt trên cao Thượng Đình); đoạn đầu cầu vượt Ngã tư Sở (khu vực đường Thượng Đình, Khương Trung). Vào khung giờ cao điểm buổi chiều xảy ra ùn ứ ở 3 khu vực: khu vực quay đầu Royal City; khu vực nút giao Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi; khu vực quay đầu gần nút Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi.

Ngoài ra, trong 10 ngày đầu thí điểm (6/8 - 16/8) đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên… Sau thời gian này, người tham gia giao thông đã quen với phương án nên rất ít xảy ra sự cố va quyệt vào dải phân cách cứng.

Thông tin về nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, bất cập khi thí điểm, Sở GTVT cho rằng do 3 nguyên nhân chính là hiện tượng ùn ứ giao thông trước tiên do mật độ giao thông trên tuyến vào các khung giờ cao điểm và theo chiều đường nhất định rất cao, cùng với đó do việc phân làn có cải thiện, các phương tiện lưu thông nhanh hơn về khu vực các nút, các giao cắt gây ra ùn ứ.

Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông đã có hình thành nhưng chưa cao, nhiều bộ phận tham gia giao thông vẫn đi theo thói quen, vi phạm luật giao thông đường bộ như đi ngược chiều (khu vực các điểm quay đầu, đầu cầu vượt Ngã Tư Sở…).

Ngoài ra, do nhiều giao cắt, phát sinh các nhu cầu chính đáng các phương tiện tham gia giao thông cần chuyển hướng, đặc biệt là đối với phương tiện xe máy.

Khi xuất hiện các bất cập nêu trên, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TP, UBND quận Thanh Xuân theo dõi, rà soát và điều chỉnh giao thông cho phù hợp hơn với thực tế, bằng cách thu ngắn các vị trí dải phân cách; bổ sung biển báo hiệu lệnh…

Ý thức chưa cao

Để đánh giá chính xác hơn nữa phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào thời điểm cuối năm 2022, Sở GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận cho tiếp tục triển khai thí điểm phương án trong thời gian 3 tháng (từ ngày 6/9 đến ngày 31/12).

Ngoài ra, trong thời gian tiếp tục thí điểm, Sở cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực tham gia giao thông tuân thủ theo đúng nội dung thông báo, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dừng đỗ trái phép... trên các tuyến đường, nút giao thông.

Can quyet liet hon de danh gia ket qua phan lan duong Nguyen Trai - Hinh anh 2
Không ít phương tiện ngó lơ biển báo đi vào làn xe khác. Ảnh: Phạm Công

Theo ông Nguyễn Văn Hà trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Từ ngày bắt đầu thực hiện phân làn đường Nguyễn Trãi, người vẫn tham gia giao thông kiểu tiện đâu đi đó, lấn làn, cắt mặt, đi ngược chiều, thậm chí tỏ ra khó chịu khi có dải phân cách cứng. Đặc biệt, tại các điểm giao cắt như đầu phố Cự Lộc, Vũ Trọng Phụng, Kim Giang… hàng đoàn xe máy vẫn ngang nhiên đi ngược chiều gây rối loạn giao thông.

“Tại các điểm đầu cuối dải phân cách có biển báo phân làn bắt buộc nhưng hầu như không ai để ý. Xe buýt, xe máy, ô tô ra vào đoạn đường bên trong hàng rào rất lộn xộn, phương tiện dừng đỗ bất chấp biển cấm vẫn phổ biến, làm ảnh hưởng đến luồng lưu thông của hai làn bên trong sát mép đường” – ông Nguyễn Văn Hà Chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc thí điểm phân làn cũng như đánh giá trên đường Nguyễn Trãi thời gian qua chưa đạt được hiệu quả cao, nếu không có những điều chỉnh phù hợp hơn, kết quả phân làn từ nay đến cuối năm cũng không đạt được nhiều tín hiệu khả quan.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Thực tế cho thấy, ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn kém, cố tình lấn làn, đi ẩu, nhất là người điều khiển xe máy. Số lượng người chấp hành, đi đúng theo biển báo còn ít, tạo nên một khung cảnh giao thông hỗn loạn, mất an toàn”.

Theo vị chuyên gia này, thời gian tiếp tục thí điểm tới, Hà Nội cần lắp dải phân cách chạy dài toàn tuyến, giảm thiểu tối đa những lối mở không cần thiết, nhằm mục đích bắt buộc người dân đi đúng làn đường quy định để hình thành thói quen.  

Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cũng cho rằng, việc không có chế tài xử phạt khi tuyến đường đang trong giai đoạn thí điểm cũng khiến người dân ngó lơ việc chấp hành quy định của biển báo giao thông.

“Đơn vi quản lý tuyến đường Nguyễn Trãi cũng cần có những điều chỉnh về làn đường. Ví dụ, thay thế vạch sơn chia làn từ vạch đứt, sang vạch liền. Từ đó lực lượng chức năng có cơ sở xử phạt các phương tiện cố tình đi lấn làn. Việc xử phạt vi phạm sẽ là yếu tố quyết định nâng cao ý thức của người dân tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi” - Chuyên gia giao thông Thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ thêm.

Tin liên quan