|
Vận tải hàng hóa liên tỉnh còn nhiều bất cập. |
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA), hiện nay hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ phòng chống, dịch và phát triển kinh tế vẫn diễn ra tình trạng ách tắc, lưu thông bị gián đoạn ở nhiều nơi. Nguyên nhân được chỉ ra là do có nhiều trạm kiểm soát trên đường làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe.
Để không đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, duy trì được sản xuất, kinh doanh trong dịch bệnh, thì một điều kiện tiên quyết là phải giữ được lưu thông hàng hóa. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, vấn đề cần làm là quản lý, kiểm soát con người, chứ không phải quản lý, kiểm soát hàng hóa, vì con người mới là chủ thể chủ yếu lây nhiễm bệnh.
Do vậy, VATA đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần áp dụng thực hiện phân luồng vận tải đối với các tỉnh, TP thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Cụ thể là phân luồng từ xa hoặc cho xe đi qua đường vành đai của địa phương để đảm bảo lưu thông.
Bên cạnh đó, cần có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, tăng cường áp dụng công nghệ để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng, tránh những bất cập như đã diễn ra. Hạn chế thời gian, số lần dừng bằng cách kiểm tra tại gốc, cập nhật dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác có số liệu đồng bộ.
Quy định về cơ sở xác định sức khỏe của tài xế cũng được VATA nêu ra, khi thời gian qua đã có sự không đồng nhất ở các địa phương. Theo đó, dù Bộ Y tế đã có quy định đối với lái xe thì giấy chứng nhận xét nghiệm theo phương pháp Test nhanh hay PCR đều được chấp nhận, nhưng một số nơi vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR dẫn đến việc phương tiện vận tải hàng hóa phải quay đầu vì lái xe không đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời, VATA đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo cho lực lượng lái xe, phụ xe được ưu tiên tiêm vắc xin theo Nghị quyết 21 của Chính phủ để phòng ngừa và giảm bớt chi phí xét nghiệm cho lái xe và DN vận tải.
Đối với cơ cấu thu nợ của Ngân hàng Nhà nước, VATA cho rằng cần xem xét, chỉnh sửa một số nội dung còn đang bất cập trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo đó, vì ảnh hưởng bất khả kháng do dịch bệnh, DN không thể trả nợ trước 31/12/2021 theo quy định thông tư 03 do vừa trải qua gần 2 năm đầy khó khăn, dòng tiền hạn chế gây ra khó khăn lớn để trả nợ cho toàn bộ khoản vay và tạo ra nguy cơ lớn trở thành nhóm nợ xấu.
Trong thời gian dịch bệnh, doanh thu của DN giảm 80% nên quy định hiện hành còn gây vướng cho DN, tổ chức tín dụng dù có muốn cứu DN cũng ko có đủ cơ sở. Để giảm bớt khó khăn tài chính cho DN, VATA đề nghị Chính phủ thực hiện cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất vay cho DN với mức giảm từ 3%/ năm.