|
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) phát biểu tại buổi tập huấn..
|
Ngày 6/9, Bộ GTVT phối hợp Ban ATGT TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam.
Người nước ngoài không hiểu luật chứ không cố tình vi phạm
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 4.500 phương tiện do người nước ngoài đăng kí, trong đó ô tô khoảng 3.000 xe và mô tô, xe gắn máy là khoảng 1500 xe. Tính từ đầu năm đến nay, có hơn 4,3 triệu lượt người nước ngoài đến TP.HCM. Trong số đó xảy ra 5 vụ TNGT, làm 3 người nước ngoài tử vong. So với cùng kỳ 2018, số vụ giảm 50%, và số người chết giảm 25%.
“Chúng tôi mong muốn không một người nước nào vì TNGT mà tử vong khi đến với TP.HCM. Vì tai nạn giao thông xảy ra với họ không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản mà nó còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước chúng ta”, Thượng tá Phong chia sẻ.
|
Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM. Ảnh: Đỗ Loan |
Do đó, Thượng tá Phong cho rằng TP.HCM cần có những giải pháp đồng bộ và có chiều sâu, cũng như quan tâm hơn đối với ATGT cho người nước ngoài.
Về phía lực lượng CSGT, để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho người nước ngoài, từ ngày 01/8 đến 31/10, đã triển khai cao điểm chuyên đề kiểm tra, nhắc nhở và xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông. Trong 15 ngày cao điểm ra quân, CSGT xử phạt 40 trường hợp vi phạm.
“Ý thức của người nước ngoài rất cao, họ vi phạm vì không hiểu luật chứ không cố tình vi phạm. Tuy nhiên khi những người nước ngoài vi phạm giao thông việc lập biên bản gặp khó khăn hơn vì phải giải thích rất lâu họ mới chịu hợp tác”, ông Phong nói.
Tuyên truyền cả những người cho khách nước ngoài thuê xe
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, việc đảm bảo toàn cho người nước ngoài khi lưu thông trên đường phố ở TP.HCM là nhiệm vụ quan trọng. Vừa kết hợp xử lý xử phạt nhưng quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn để người tham gia giao thông, đặc biệt là người nước ngoài họ hiểu và chấp hành một cách tốt nhất.
"Vì vậy, việc này cần phải có sự tham gia của nhiều bên, ngoài các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, các đơn vị du lịch lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái… cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp trong quản lý người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, tăng cường tuyên truyền về luật giao thông ngay khi người nước ngoài đến Việt Nam ngay tại sân bay…”, ông Tường nói.
Về công tác đảm bảo ATGT cho người nước ngoài đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, công tác tuyên truyền không chỉ thực hiện với khách du lịch mà phải cả các cơ sở, đơn vị cho thuê, mướn phương tiện, và các dịch vụ du lịch liên quan đến người nước ngoài.
“Đối với các cơ sở, đơn vị nào mà cho người nước ngoài thuê, mướn phương tiện mà họ không đảm bảo đủ điều kiện khi tham gia giao thông ở Việt Nam mà cũng giao xe thì cũng phải xử lý nghiêm”, ông Thạch nói.