Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát lệnh thông xe
|
Sáng nay (7/1), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức lễ thông xe dự án sửa mặt cầu Thăng Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát lệnh thông xe.
Cùng đến dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện.
Về phía Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, TP Hà Nội và địa phương khác.
Các đại biểu tham quan công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
|
Tăng tính kết nối cho giao thông Thủ đô
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa bằng công nghệ hiện đại. Đó là giải pháp sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bê tông cốt sợi thép siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén gấp 3 lần bê tông thông thường.
Sau khi hoàn thành rải bê tông UHPC sẽ quét keo epoxy dính bám, trước khi thảm bê tông nhựa polime dày tối thiểu 4cm. Nhờ đó, mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm. Đặc biệt, kết quả thử tải độ cứng của bản mặt cầu tăng lên khoảng 2 - 3 lần so với trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai 3 TP Hà Nội. Từ đó sẽ góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa nội thành Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nằm trên đường Vành đai 3 là một trong các tuyến đường huyết mạch với lưu lượng giao thông lớn. Do đó, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long được hoàn tất sẽ đảm bảo giao thông đồng bộ trên vành đai 3, giảm tải cầu Nhật Tân trên tuyến đường cửa ngõ của TP, tạo sự liên kết giữa các vùng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Sở GTVT Hà Nội, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, các quận huyện tiếp tục phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong tổ chức khai thác dự án, trong đó có công tác kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo nâng cao tuổi thọ công trình đồng thời giúp công trình đưa vào khai thác hiệu quả nhất.
Công nghệ tốt cần nghiên cứu để nhân rộng
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định tầm quan trọng của cầu Thăng Long đối với việc kết nối, giao thương của TP Hà Nội tại hai bờ Bắc – Nam sông Hồng, đồng thời cũng là cầu nối giữa Hà Nội và các tỉnh, TP khác trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long là dự án sửa chữa quan trọng, việc hoàn thành đúng vào dịp đầu năm 2021 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Phó Thủ tướng cùng các đại biểu đi kiểm tra bề mặt cầu Thăng Long.
|
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các chuyên gia đã hết sức tích cực và có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long. Trong đó, đảm bảo vật liệu để làm mặt cầu và khắc phục mọi khó khăn lao động ngày đêm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ phối hợp với Hà Nội bàn giao công trình, khai thác đảm bảo tuyệt đối an toàn hiệu quả trong đó lưu ý kiểm soát xe tải qua cầu để đảm bảo trọng tải không vượt quá và chất lượng cầu, đảm bảo hiệu quả công trình khi đưa vào khai thác.
Công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long cần được tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng
|
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT, trên cơ sở ứng dụng thành công sửa chữa cầu Thăng Long, cần nghiên cứu hoàn thành các chỉ dẫn để làm các công trình tiếp theo có hiệu quả, chất lượng.
“Theo quy hoạch 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô phát triển sang cả phần phía Bắc sông Hồng và sắp tới theo chỉ đạo của Thủ tướng phía bắc cần phải được phát triển thành đô thị mới hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, có sức hấp dẫn trở thành đối trọng với phía nam sông Hồng thu hút người dân từ đô thị lõi sang vùng này để tạo hình ảnh mới cho Thủ đô văn minh hiện đại. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị dọc theo sông Hồng và phải làm các cầu qua sông Hồng” -Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
|