Chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô”: Một thập kỷ vun đắp văn hóa giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông (ATGT) Thủ đô” đã được tổ chức 10 năm liên tục, chuẩn bị bước sang năm thứ 11.

Chuong trinh truyen thong “Vi An toan giao thong Thu do”: Mot thap ky vun dap van hoa giao thong - Hinh anh 1
Các em học sinh tham gia hưởng ứng lễ phát động Chương trình truyền thông vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2021. Ảnh: Thanh Hải 

Chương trình được UBND TP Hà Nội giao cho báo Kinh tế & Đô thị chủ trì tổ chức cùng các sở, ban, ngành, địa phương trên toàn TP. Cả chặng đường đã qua, Ban Tổ chức luôn nỗ lực hết sức để chung tay xây dựng, bồi đắp văn hóa giao thông, đặc biệt với thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của Thủ đô, đất nước.

Kênh thông tin đặc biệt

 Trong cả thập kỷ qua, Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô” đã trở nên gần gũi với Nhân dân Thủ đô, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp. Từ Cuộc thi viết “Vì ATGT Thủ đô” lần đầu tiên được tổ chức năm 2011, qua mỗi năm, chương trình ngày càng được hoàn thiện, nâng tầm thành chiến dịch truyền thông lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực giao thông nói riêng và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh của người Hà Nội nói chung.

Thông qua chương trình, hàng triệu lượt thanh thiếu niên, cán bộ, công nhân viên đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thủ đô đã được tiếp cận sâu với kiến thức về luật giao thông, khơi dậy ý thức tham gia giao thông văn minh, an toàn vì cả cộng đồng. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Nhờ có chương trình, trước đây, là Cuộc thi viết "Vì ATGT Thủ đô", hàng trăm chuyên gia đã có cơ hội bày tỏ ý kiến, sáng kiến về tổ chức, đầu tư xây dựng giao thông cho Thủ đô. Sau đó, cuộc thi được nâng tầm thành chương trình truyền thông lớn, kết nối hiệu quả để các chuyên gia tham vấn cho lãnh đạo TP về lĩnh vực giao thông”.

Trưởng ban Tổ chức Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô", Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, trong 10 năm qua, chương trình luôn được đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia, đặc biệt trong đó là các em học sinh, từ tiểu học đến trung học. Từ chương trình này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT trong học sinh, sinh viên và của mọi người dân được nâng lên một bước. Ngoài ra, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh, sinh viên và các đối tượng khác khi tham gia giao thông cũng từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Đặc biệt, Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô” đã 5 năm liền duy trì, đẩy mạnh nội dung thi tìm hiểu kiến thức về giao thông qua hình thức trắc nghiệm trên internet. Cuộc thi thu hút được hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên trên địa bàn TP tham gia mỗi năm. Riêng năm 2021, lượt thanh thiếu niên dự thi trắc nghiệm kiến thức giao thông trên internet đã đạt gần 280.000. Con số này cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực cho việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, văn hóa giao thông trong giới trẻ nói riêng và Nhân dân Hà Nội nói chung.

Thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan nhận định, Hà Nội đang trên đà phát triển đô thị vũ bão, những hệ luỵ như ùn tắc, tai nạn giao thông sẽ còn diễn biến phức tạp. Muốn có một cộng đồng văn minh, có ý thức, văn hóa giao thông cao, TP cần chú trọng vào việc giáo dục, tuyên truyền cho giới trẻ. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để làm được điều đó là tạo điều kiện cho các em tiếp cận, tìm hiểu, thấm nhuần kiến thức về ATGT, giống như Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô” đã và đang bền bỉ thực hiện trong một thập kỷ qua.

Mảnh đất của những bông hoa đẹp

 Năm 2021 là lần thứ hai Ban Tổ chức Chương trình truyền thông "Vì ATGT Thủ đô” mở thêm nội dung bình chọn các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực ATGT. Qua xem xét hồ sơ, Ban Tổ chức quyết định biểu dương 20 gương điển hình tiên tiến đã có đóng góp thiết thực vào quá trình đảm bảo trật tự, ATGT, tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông… tại cơ sở ở nhiều quận, huyện, sở, ngành TP Hà Nội.

Ông Trần Văn Bính - Tổ trưởng Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Mỗi gương điển hình tốt trong lĩnh vực giao thông là một bông hoa đẹp. Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô” là mảnh đất dành cho những bông hoa đẹp đó, là nguồn động viên, khuyến khích rất lớn đối với mỗi người dân Hà Nội trong việc xây dựng văn hóa giao thông”.

Năm 2021, Hà Nội cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án giao thông lớn, đồng thời tiếp tục đề xuất một số dự án quan trọng, góp phần tăng cường khả năng kết nối của giao thông Thủ đô, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, từ ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cũng là của cả nước mang mã số 2A Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào khai thác thương mại.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội và các hoạt động chung của cả nước và TP. Vượt qua mọi khó khăn, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của thường trực Ban Tổ chức và các đơn vị thành viên, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, quận, huyện trên toàn TP, Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô - năm 2021” đã hoàn thành kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chuyên trang giaothonghanoi.kinhtedothi.vn - kênh thông tin của Chương trình tiếp tục truyền tải liên tục những thông điệp về xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên nói riêng và mọi tầng lớp Nhân dân nói chung. Nhờ đó tạo sức lan tỏa xây dựng văn hóa giao thông tại Thủ đô Hà Nội cũng như trên cả nước.

Bước sang năm 2022, cũng là năm thứ 11 Chương trình truyền thông “Vì ATGT Thủ đô” được tổ chức, Ban Tổ chức đặt kỳ vọng rất lớn sẽ thu hút đông đảo hơn nữa mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô quan tâm, tham gia, đồng hành để cùng vun đắp văn hóa giao thông, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu TP vì hòa bình.

"Tri thức, hiểu biết là một trong những nền tảng quan trọng nhất để hình thành nên cộng đồng xã hội văn minh. Muốn giải quyết triệt để ùn tắc và tai nạn giao thông, cần phải có thêm 10 - 20 năm nữa khi TP có một thế hệ kế cận được giáo dục tốt về ý thức tham gia giao thông. Bởi vậy, Hà Nội phải nỗ lực duy trì, ngày càng đẩy mạnh hơn nữa chương trình này."- Thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan

 

THẾ HÀ/KTĐT

Tin liên quan