Hiện trường vụ việc
|
Ngày 25/10, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, lúc 9 giờ 40 ngày 24/10, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đã phát hiện phương tiện vận tải đường thủy va vào mạn hạ phía thượng lưu dàn chủ nhịp 2 cầu Tam Bạc, Km 99+250 tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, VNR đã mời đại diện Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và các cơ quan chức năng thuộc UBND TP Hải Phòng kiểm tra, lập biên bản hiện trường, chỉ đạo các đơn vị đường sắt tổ chức cứu chữa công trình.
Qua kiểm tra sơ bộ tại hiện trường phát hiện có sự chuyển dịch dàn chủ nhịp 2 và nhịp 3 về phía hạ lưu, trong đó phần nhịp 2 bị dịch chuyển khoảng 70cm, phần nhịp 3 bị dịch chuyển khoảng 44cm, hư hỏng kết cấu các gối cầu trên nhịp 2 và nhịp 3, đường sắt trên cầu bị biến dạng, phải phong tỏa ngay khu gian Thượng Lý - Hải Phòng.
Các đơn vị đường sắt đã khẩn trương khắc phục tạm thời và sửa chữa đường sắt trên cầu để trả đường với tốc độ 5km/h và thông đường lúc 0 giờ 20 phút ngày 25/10. Đến nay mọi hoạt động đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường thủy trên tuyến sông Tam Bạc trở lại bình thường.
Để bảo đảm an toàn công trình cầu đường sắt Tam Bạc, an toàn chạy tàu, xóa bỏ điểm chạy chậm qua cầu, VNR báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép điều chỉnh kế hoạch bảo trì đường sắt năm 2020 để thực hiện công trình sửa chữa đột xuất, khẩn cấp khắc phục các hư hỏng do phương tiện giao thông đường thủy va vào nhịp 2 cầu Tam Bạc nêu trên; cho phép kiểm định, đánh giá khả năng chịu lực kết cấu công trình cầu Tam Bạc.
Trong điều kiện tình hình giao thông đường thủy diễn biến rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến an toàn công trình, VNR đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với các cơ quan chức năng, UBND TP Hải Phòng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc vi phạm an toàn giao thông nói trên đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy tại các cầu đường sắt bị hạn chế tĩnh không thông thuyền nói chung và cầu đường sắt Tam Bạc nói riêng.