Đường sắt Cát Linh – Hà Đông thu hút dư luận ngay trong ngày đầu hoạt động

VŨ KHOA - PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong ngày đầu tiên chính thức đưa vào vận hành thương mại, phục vụ người dân Thủ đô, tàu trên cao đã thu hút sự hiếu kỳ, háo hức và trải nghiệm của nhiều tầng lớp. Sự kiện này cũng gây được bàn luận khá nhiều, đặc biệt là người dân ở những nơi có dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tương tự.

Chuyến tàu 10 năm

Cụ ông Đoàn Văn Khương (87 tuổi, Hoàng Long, Phú Xuyên) vẫn giữ nguyên vẻ hồ hởi khi vừa bước ra ga Cát Linh và cho biết đã chờ đợi tới 10 năm để được thử cảm giác sử dụng tàu điện trên cao. Do nhà xa, ông đi từ 5 giờ sáng và di chuyển quãng đường khoảng 25km để tới ga Yên Nghĩa cho kịp chuyến tàu đầu tiên rời ga. 

25 phút từ Yên Nghĩa tới Cát Linh, ông cụ cùng những người chung chuyến tàu được ngắm cảnh TP từ góc nhìn chưa từng được trải nghiệm. Nói về cảm giác ngồi trên đoàn tàu, cụ ông 87 tuổi tỏ ra khá thoả mãn vì sự êm ái, nhanh, tiện lợi.

Duong sat Cat Linh – Ha Dong thu hut du luan ngay trong ngay dau hoat dong - Hinh anh 1
Ông Đoàn Văn Khương, hành khách 87 tuổi đã chờ tàu 10 năm để được đi thử. 

Tại ga đầu tuyến, nhiều người tỏ ra thích thú đối với hệ thống kỹ thuật vận hành tự động hoá như thang máy, thẻ từ.. mà trước đây chưa từng có khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng hàng ngày. Khung cảnh nhà ga, với những cửa sổ lớn, hàng ghế chờ cũng tạo ra không gian lãng mạn kiểu điện ảnh cho những cặp đôi muốn thử cảm giác hẹn hò, chờ đợi từng thấy ở nhiều bộ phim nước ngoài.

Trong số hàng nghìn người dân Thủ đô tới tham quan, trải nghiệm dự án đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông sáng 6/11, còn có không ít người thuộc thế hệ trẻ, thanh thiếu niên hay trẻ em đi cùng bố mẹ.

Đặc biệt hơn là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Anh Philip Hileman - một hành khách nước ngoài đầu tiên sử dụng tàu trên cao tại Hà Nội cho biết, anh đánh giá cao chất lượng thiết bị, nhân viên phục vụ của đoàn tàu, nhất là khi đây là lần đầu tiên loại phương tiện hiện đại như thế này xuất hiện ở Việt Nam. “Quang cảnh Hà Nội hiện ra ở góc nhìn rất khác, đẹp lạ và thú vị”, anh Philip nói.

Nhìn chung, sự kiện ra mắt tuyến ĐSĐT 2A đã tạo nên dư luận rất lớn đối với người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung. Nhất là tại những khu vực có quy hoạch phát triển ĐSĐT, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn được trải nghiệm, sử dụng dịch vụ tương tự cho nhu cầu đi lại, sinh sống, làm việc thường ngày để thay thế cho phương tiện cá nhân.

Duong sat Cat Linh – Ha Dong thu hut du luan ngay trong ngay dau hoat dong - Hinh anh 2
 Khung cảnh nhà chờ ga Cát Linh.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, toàn bộ đi trên cao với tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông hoặc ngược lại là hơn 23,63 phút.


Tăng cường kết nối với xe buýt

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (metro Hà Nội), trong 15 ngày đầu tiện hoạt động, hành khách sẽ được miễn phí sử dụng tàu trên cao. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mở cửa từ 5 giờ 30 và đóng vào 20 giờ hằng ngày. Tổng số lượt hành khách sử dụng dịch vụ tàu điện sẽ được đơn vị vận hành tổng hợp, thống kê và chốt vào khoảng 2 giờ sáng mỗi ngày. Đây là số liệu sẽ được metro Hà Nội báo cáo TP sau 15 ngày. Khi khai thác thương mại, thu tiền sử dụng dịch vụ, đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ mở từ 5 giờ 30 sáng và kết thúc 22 giờ 30.

Duong sat Cat Linh – Ha Dong thu hut du luan ngay trong ngay dau hoat dong - Hinh anh 3
 Ga Yên Nghĩa.

Giá vé tàu Cát Linh được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến, và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé. 

Theo báo cáo phương án kết nối vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến 2A, Hà Nội thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông để đạt tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) sau khi tổ chức lại, với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. 

Duong sat Cat Linh – Ha Dong thu hut du luan ngay trong ngay dau hoat dong - Hinh anh 4
 Hiện Hà Nội vẫn đang tiếp tục điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt để tăng cường kết nối với ĐSĐT 2A.

Trong đó 12 cặp điểm dừng được đặt trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 ga ĐSĐT Cát Linh; La Thành; Thái Hà; Láng; Thượng Đình; Phùng Khoang; Văn Quán; Hà Đông; Văn Khê; La Khê và Yên Nghĩa. 1 cặp điểm dừng cách ga Vành Đai 3 khoảng 200m và 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga để tăng cường kết nối. Chưa dừng lại đó, sẽ có thâm 14 nhà chờ xe buýt được bổ sung trong thời gian tàu hoạt động để nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên con số 28. Đồng thời bố trí các khu vực dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe khi sử dụng tuyến 2A.

Nhằm tăng cường kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) 2A Cát Linh – Hà Đông, Sở GTVT Hà Nội vừa điều chỉnh 4 tuyến buýt bao gồm xe số 22, nhánh tuyến 22A; số 38 và tuyến buýt số 49 đi qua các tuyến đường lớn, tập trung đông số lượng hành khách là người lao động, sinh viên, học sinh.

 "Sự kiện đưa vào vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông đã khiến cộng đồng mạng xã hội xôn xao trong ngày 6/11, tôi đã đọc và thấy rất nhiều người kỳ vọng các chuyến tàu tương tự, như Bến Thành - Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh sớm đưa vào hoạt động. Hay như nơi tôi đang sinh sống cũng có tàu Nhổn - Ga Hà Nội, mong sớm hoàn thiện để người dân sử dụng" - chị Lê Thị Ngọc Bích (Bắc Từ Liêm) chia sẻ.


Tin liên quan