Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, một nguyên nhân khiến vấn đề này phức tạp hơn chính là ý thức của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông chưa cao.
Khi ranh giới bị phá bỏ
Để đảm bảo nhu cầu di chuyển của các phương tiện tại Thủ đô nói riêng và toàn quốc nói chung, lực lượng chức năng đã bố trí làn đường dành riêng cho xe máy và xe ô tô. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông chưa thể bắt kịp với tốc độ của các phương tiện, những quy định đó đã dần mất đi sự tôn nghiêm, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đơn cử, tại một số tuyến đường như Phạm Hùng, Chùa Bộc, Giải Phóng, Nguyễn Khoái… vào giờ cao điểm, tình trạng xe ô tô đi lấn làn xe máy và ngược lại diễn ra khá phổ biến. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là nguyên nhân chính làm phức tạp hơn tình trạng UTGT tại Thủ đô.
Nhiều số chuyên gia cho hay, Điều 13, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, các phương tiện hiện nay chỉ cần thấy khoảng trống phía trước là sẵn sàng tạt đầu phương tiện khác, lạng lách để lao lên chiếm lấy khoảng không gian, bất chấp đó là làn đường nào. Điều đáng nói, tình trạng trên diễn ở tất cả các loại phương tiện, từ xe tải, xe con hay xe thô sơ. Chính điều này đã khiến việc di chuyển của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn.
Triệt tiêu cái tôi ích kỷ
Theo Nghị định 46/2016/NĐ – CP quy định về mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe gắn máy) và các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng nếu chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước; Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng nếu điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường. Trong khi đó, đối với ô tô, mức phạt trên lần lượt từ 300.000 - 400.000 đồng và từ 800.000 – 1,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số Đội CSGT trên địa bàn TP, quy định là vậy, nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, theo lãnh đạo Đội CSGT số 6, hiện trên địa bàn có một số tuyến đường đang mở rộng, hoặc triển khai các công trình khác nên làn đường bị thu hẹp, nhiều điểm làn đường bị mờ, xuống cấp nên rất khó để xử lý người vi phạm, đặc biệt là giờ cao điểm.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Đội CSGT số 4 cho rằng, tình trạng các chủ phương tiện di chuyển lấn, sai làn đường quy định chủ yếu diễn ra vào giờ cao điểm. Thế nhưng, trong thời điểm này, nếu lực lượng chức năng tiến hành dừng xe, xử lý vi phạm thì cả tuyến đường sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc.
Trước tình trạng trên, một số chuyên gia cho rằng, việc đầu tư phát triển hạ tầng, mở rộng đường sá (nếu có) cũng không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Ngoài ra, sẽ không có gì đảm bảo rằng, những tuyến đường vừa mới mở sẽ theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện. Do đó, để giảm thiểu UTGT, chính người tham gia giao thông phải có ý thức chấp hành luật giao thông. Mỗi người tham gia giao thông phải triệt tiêu cái tôi ích kỷ, hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội, phải xác định khi mình đi được, người khác sẽ đi được và ngược lại.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện, TP có hơn 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp và 11.000 xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10 - 15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động). Theo dự báo của Sở GTVT Hà Nội, với tốc độ như hiện nay, năm 2020, số ô tô sẽ tăng lên 843.000 chiếc, xe máy 6,1 triệu chiếc; năm 2025, ô tô là 1,45 triệu chiếc, xe máy 7 triệu chiếc và năm 2030 ô tô: 2 triệu chiếc; xe máy: 7,5 triệu chiếc.