Giao thông dịp Tết Dương lịch 2019: Chủ động phân luồng từ xa

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Với việc Tết Dương lịch 2019 được nghỉ tới 4 ngày, nhu cầu đi du lịch và về quê đón Tết của người dân tăng cao, ngành đường sắt, hàng không đều tăng cường thêm chuyến.

Trên địa bàn Hà Nội, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai các phương án chống ùn tắc giao thông các cửa ngõ Thủ đô, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân nghỉ lễ an vui.

Giao thong dip Tet Duong lich 2019: Chu dong phan luong tu xa - Hinh anh 1
 Các bến xe đảm bảo đủ xe, đủ chuyến cho người dân dịp Tết .  Ảnh: Internet

Tăng cường phương tiện giao thông

 Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn nhận định, dự kiến lượng khách đi lại vào dịp Tết Dương lịch sẽ tăng khoảng 20 - 40% so với ngày thường. Đợt nghỉ này sẽ có 2 ngày cao điểm gồm đợt 1 chiều thứ Sáu, ngày 28/12; và sáng thứ Bảy, ngày 29/12. Lượng hành khách sẽ tăng nhiều so với ngày thường và tăng cao hơn ngày cuối tuần hàng tuần.

Tuy nhiên, hiện nay các phương tiện vận tải trên các bến đang hoạt động mới đạt bình quân hơn 50% hệ số trọng tải phương tiện. Vì vậy, ông Toàn khẳng định: “Lượng xe đang hoạt động cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào một số thời điểm trong ngày”.

Riêng Công ty CP Bến xe Hà Nội đã dự trù tăng thêm 3.200 lượt xe để giải tỏa khách trong hai dịp Tết sắp tới. Cụ thể, Bến xe Giáp Bát dự kiến tăng thêm 1.120 lượt xe/ngày. Bến xe Mỹ Đình dự kiến tăng hơn 1.200 lượt xe/ngày. Bến Gia Lâm dự kiến tăng 870 lượt xe/ngày. Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên quyết siết chặt các quy định, kiểm tra sát sao từng xe. Không để một xe nào chở quá người, thu quá giá xuất bến”.

Cùng đó, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội cũng đã tăng cường thêm nhiều đoàn tàu trên các tuyến, ngoài các tàu chạy thường xuyên hàng ngày vẫn được duy trì. Vì vậy, Công ty vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về vé tàu của người dân. Hiện vé vẫn đang được bán trên các hệ thống.

Theo đó: Tuyến Hà Nội – Đồng Hới thêm 2 tàu đi Đồng Hới vào ngày 28/12 và 2 tàu theo chiều ngược lại vào ngày 31/12; tuyến Hà Nội – Vinh thêm 4 tàu đoàn từ Hà Nội đi Vinh ngày 28/12 và 3 tàu chiều ngược lại ngày 1/1/2019; tuyến Hà Nội – Thanh Hóa thêm một đoàn chạy chiều Hà Nội đi Thanh Hóa ngày 28/12 và một đoàn chạy chiều ngược lại ngày 1/1/2019; tuyến Hà Nội – Lào Cai tăng một đoàn chạy chiều Hà Nội đi Lào Cai vào ngày 28/12; tuyến Hà Nội – Hải Phòng tăng một đoàn tàu chạy chiều Hà Nội đi Hải Phòng vào ngày 1/1/2019.

Đáng chú ý, để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi mua vé tàu, năm 2018, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới đại lý bán vé tàu tại các địa phương, ngành đường sắt đã mở rộng thêm các phương thức bán vé mới, kết hợp với các đối tác như ví điện tử MoMo, ViettelPay, VNPay để hành khách có thể mua vé và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các hình thức bán vé mới sẽ giảm áp lực bán vé tại các ga trong các thời gian cao điểm.

Dịp này, các hãng hàng không cũng đã tăng chuyến trong dịp này để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân bằng phương tiện máy bay. Thế nhưng theo khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị, lượng vé giá tiết kiệm đã gần như “cháy vé”, chỉ còn một số lượng nhất định nhưng chủ yếu là vé giá cao. Đặc biệt, đối với các chuyến bay giờ đẹp trên các “đường bay vàng”, như Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng… thì mức giá vé rất cao và đã khan hiếm.

Đối với các hãng bay giá rẻ, mức giá cũng tương đối cao so với mọi năm và lượng vé cũng không còn nhiều. Hiện mức giá vé máy bay của các hãng giá rẻ dao động khoảng 2 triệu đồng/vé cho những chặng này nhưng giá vé này chưa bao gồm thuế, phí. Đối với vé máy bay của Vietnam Airlines thì mức giá vé còn cao hơn. Thậm chí, một số chuyến bay giờ đẹp, đi các điểm du lịch đẹp như Hà Nội/TP Hồ Chí Minh – Phú Quốc, rất nhiều chuyến đã hết vé. Một số chuyến bay còn vé cũng chỉ còn loại vé giá cao hơn 3 triệu đồng/vé.

Chủ động phương án chống ùn tắc

Cùng với việc tăng cường các phương tiện giao thông để đảm bảo nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2019, ngay từ đầu tháng 12, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban ATGT TP, Sở GTVT, Công an TP và các địa phương chủ động phương án đảm bảo trật tự, ATGT, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đã yêu cầu Phòng CSGT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong và ngoài lực lượng, chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong việc bố trí các phương án phân luồng, điều tiết giao thông. Chủ động phân luồng từ xa ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô; tính toán, có phương án xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống ùn tắc cục bộ, ùn tắc kéo dài nhất là trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo hoặc có nhiều đoạn giao cắt, dễ gây xung đột giao thông.

Hiện, Phòng CSGT Công an TP đã thành lập 24 tổ công tác tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Bắt đầu từ ngày 24/12 vừa qua, Cục CSGT cũng đã chỉ đạo các đơn vị CSGT trên toàn quốc mở đợt cao điểm (đợt 3) để tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn nhằm đảm bảo ATGT dịp cuối năm. Trong đó, Cục CSGT cũng chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương thay đổi phương thức, địa điểm xử lý; tạo yếu tố bí mật, bất ngờ để xử lý triệt để những trường hợp cố tình vi phạm.

Về phía Sở GTVT Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Vũ Hà cũng cho biết, ngoài việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, khai thác bến xe trên địa bàn TP đăng ký danh sách xe tăng cường xong trước ngày 10/12, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT tăng cường cán bộ, nhân viên, phối hợp với Công an TP chốt trực tại 45 vị trí có nguy cơ UTGT để điều tiết, phân luồng giao thông. Theo đó, 100% quân số Thanh tra Sở GTVT sẽ trực suốt dịp Tết Dương lịch 2019, tăng cường tuần tra, xử phạt các trường hợp xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng thực hiện vận chuyển khách sai quy định.

Thực tế cho thấy, trong những kỳ nghỉ lễ, Tết gần đây, tình trạng UTGT tại các cửa ngõ Hà Nội đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng ùn tắc cục bộ trong những ngày cao điểm vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng xe khách dừng đỗ tuỳ tiện, chở quá người, thu quá giá vẫn còn diễn ra. Tình trạng taxi, xe ôm “bủa vây” cổng bến xe, chèo kéo khách vẫn diễn ra phổ biến.

Hiện, tuyến Vành đai 3, kéo dài từ cầu Thăng Long đến cao tốc Pháp Vân, QL5 vẫn là một trong những khu vực trọng điểm cả về UTGT lẫn tình trạng xe khách vi phạm luật giao thông. Trong đó có tác nhân của việc tràn ngập hàng nghìn chiếc xe Limousine, VIP... (xe hợp đồng trá hình, vận chuyển khách liên tỉnh - PV) ngang nhiên đón khách, biến bất cứ nơi đâu thành bến “cóc” nhưng lại thiếu chế tài xử lý… đã gây nên UTGT cho cả nội đô lẫn cửa ngõ và các tuyến đường trọng điểm của Hà Nội. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Văn Viện khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với những lỗi vi phạm giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc, đặc biệt là TNGT nghiêm trọng.

Ngọc Hải - Quý Nguyễn - Vân Nhi/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan