|
Đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn chủ trì, kiểm tra công tác chuẩn bị bàn giao dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông trong vài ngày tới. |
55 tuyến buýt kết nối
Chiều 3/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận bàn giao mặt bằng dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông (2A). Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, các đơn vị cần đảm bảo công tác an ninh trật tự trong ngày bàn giao tuến đường sắt 2A về Hà Nội, “Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, vấn đề an ninh trật tự trong ngày thực hiện bàn giao cũng quan trọng không kém gì chạy tàu” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và các đơn vị liên quan phải tập trung cao độ, làm tốt công tác tiếp nhận, bàn giao dự án ĐSDT 2A, vì đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm.
“Trong quá trình vận hành, các quy định về đảm bảo an toà kỹ thuật, an toàn cho hành khách cần luôn được chú ý và không được có sai sót, chủ quan. Bên cạnh đó là theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể đối với nhu cầu sử dụng ĐSDT của người dân. Lắng nghe ý kiến đóng góp về quá trình phục vụ của nhân viên tại các ga nhằm đạt được sự hài lòng cao nhất của người dân. Mặt khác, về công tác tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, các đơn vị có chức năng tổ chức cần điều chỉnh, báo cáo TP ngay nếu phát sinh vấn đề chưa hợp lý” - Phó Chủ tịch UBND TP Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chỉ đạo.
Ông Vũ Hồng Trường - Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, trong ngày bàn giao, công ty đã chuẩn bị số lượng xe buýt chờ sẵn để phục vụ việc đi lại người dân và thực hiện giải tỏa khi cần thiết. Trong 15 ngày đầu, sẽ có 2 loại tàu hoạt động, trong đó là 3 chuyến tàu tham quan chạy suốt tuyến, không dừng đỗ tại các ga. Loại còn lại là để phục vụ nhu cầu đi lại thông thường của người dân. Trong những ngày miễn phí, khách đi tàu được phát thẻ miễn phí. Số thẻ này sẽ được thu lại vào cuối ngày để công ty tính đếm, làm căn cứ báo cáo khách đi lại mỗi ngày.
Báo cáo TP, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, về kết cấu hạ tầng xe buýt, đến thời điểm hiện tại, dọc hành lang tuyến ĐSĐT 2A đã đạt tổng cộng 55 tuyến buýt trợ giá hoạt động, bao gồm cả kết nối dọc và kết nối ngang.
Trước đó, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các công đoạn để bàn giao dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông cho TP Hà Nội phải được thực hiện trước ngày 10/11. Trong những ngày qua, người dân Thủ đô đang dành nhiều sự quan tâm đối với việc đưa dự án này vào hoạt động thương mại, tạo thêm một sự lựa chọn trong việc đi lại ở bối cảnh giao thông TP đang ngày càng bức bối, với lưu lượng phương tiện cá nhân đông đúc.
Do hướng tuyến cơ bản của dự án theo hướng tâm kết nối từ khu vực Tây Nam tới trung tâm TP, lộ trình chủ yếu qua các tuyến đường tập trung nhiều cơ quan, trường học nên sẽ thu hút trực tiếp nhu cầu đi lại của người dân dọc tuyến. Bên cạnh đó, năng lực vận chuyển của tuyến ĐSĐT 2A là rất lớn với gần 10 nghìn người/giờ. Do đó, việc cung ứng, giải tỏa hành khách từ các chuyến tàu cần phải đặc biệt chú trọng để đảm bảo khai thác tối đa năng lực vận hành của tuyến đường sắt.
Giảm 50% thời gian di chuyển
Theo báo cáo phương án kết nối vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến 2A, Hà Nội thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông để đạt tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) sau khi tổ chức lại, với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trong đó 12 cặp điểm dừng được đặt trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 ga ĐSĐT Cát Linh; La Thành; Thái Hà; Láng; Thượng Đình; Phùng Khoang; Văn Quán; Hà Đông; Văn Khê; La Khê và Yên Nghĩa. 1 cặp điểm dừng cách ga Vành Đai 3 khoảng 200m và 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga để tăng cường kết nối. Chưa dừng lại đó, sẽ có thâm 14 nhà chờ xe buýt được bổ sung trong thời gian tàu hoạt động để nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên con số 28. Đồng thời bố trí các khu vực dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe khi sử dụng tuyến 2A.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, hiện nay hạn chế của xe buýt là tốc độ khai thác phương tiện thấp do phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp, việc đưa tuyến ĐSĐT 2A vào hoạt động thương mại đóng góp vai trò quan trọng trong mối quan hệ tương hỗ giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, thời gian di chuyển của người dân khi sử dụng ĐSĐT sẽ giảm đến 50% do sự riêng biệt của loại hình này. Ở chiều ngược lại, thời gian di chuyển dự kiến đối với xe buýt sẽ giảm xuống từ 30 – 40%.
|
Các loại hình vận tải hành khách công cộng được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao. |
Theo phương án kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường Cát Linh – Hà Đông. Các tuyến buýt sẽ được bố trí hợp lý để đảm bảo thuận lợi cho hành khách sử dụng khi chuyển tuyến với mục tiêu không để hành khách phải chuyến tuyến quá 1 lần trong hành trình. Các điểm dừng xe buýt được bố trí nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, trong đó khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500m.
Bên cạnh đó, nhà chức trách sẽ nghiên cứ nhằm giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến ĐSĐT 2A. Cụ thể là với 4 tuyến buýt 02, 21, 27, 33 với các phương án điều chỉnh thành tuyến thời gian hoạt động, chuyển thành tuyến kết nối ngang hoặc hợp nhất để vừa đảm bảo khai thác lượng hành khách trên tuyến, và không làm giảm số lượng phương tiện công cộng phục vụ người dân.