Hà Nội có lộ trình hàng chục năm để dần hạn chế xe máy

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Liên quan đến việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy tại khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện khẳng định, lộ trình này kéo dài hàng chục năm và phải được chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần thiết.

Ha Noi co lo trinh hang chuc nam de dan han che xe may - Hinh anh 1
 Ùn tắc giao thông tại Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Công Hùng

Xin ông cho biết, Hà Nội đã có chủ trương hạn chế, tiến tới cấm xe máy lưu thông trong nội thành từ khi nào?

- Việc hạn chế dần, tiến tới cấm xe máy lưu thông trong khu vực nội thành Hà Nội đã được nghiên cứu từ rất lâu. Tháng 4/2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04/NQ - HĐND, thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Một trong những nội dung của Đề án là đến năm 2030 sẽ cấm xe máy hoạt động tại một số quận nội thành.

Việc này sẽ được triển khai trong thực tế như thế nào, thưa ông?

- Trước tiên sẽ phải nghiên cứu, xây dựng một đề án liên quan đến việc hạn chế xe máy. Đề án này phải đảm bảo giải quyết các vấn đề liên quan như phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); phân vùng cấm hoặc được hoạt động đối với xe máy; thứ tự thực hiện hạn chế, cấm tại từng địa phương, từng tuyến đường phố cụ thể… Có thể hiểu rằng, chúng ta sẽ hạn chế, tiến tới cấm hẳn xe máy trong nội thành theo một lộ trình cụ thể, chi tiết, với đầy đủ các điều kiện cần thiết.

Thưa ông, các điều kiện cần thiết đó là gì?

- Có rất nhiều việc cần làm để đảm bảo đi lại cho người dân trước khi cấm xe máy. Ví dụ như việc phát triển mạng lưới VTHKCC đủ năng lực đáp ứng nhu cầu; hay tổ chức giao thông ưu tiên cho VTHKCC và người đi bộ; các hình thức giao thông trung chuyển giữa khu vực bị cấm và các khu vực khác…

Tất cả những điều kiện đó sẽ được tính toán đến trong đề án thực hiện hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong nội thành Hà Nội. Đề án này sau khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân.

Có nhiều người lo lắng hệ thống VTHKCC của TP sẽ không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

- Hệ thống VTHKCC của TP Hà Nội chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể như hiện nay, khu vực trung tâm của TP không thiếu phương tiện giao thông công cộng. Trong đề án chúng tôi cũng đặt chỉ tiêu, với khu vực trung tâm TP phải đảm bảo điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống VTHKCC, phạm vi dưới 500m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ. Tựu chung, khi cấm xe máy thì phải có đủ điều kiện để người dân lựa chọn phương tiện đi lại cho phù hợp.

Hơn nữa, chúng ta còn 10 năm để phát triển VTHKCC với đa dạng loại hình như xe buýt, đường sắt đô thị… Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian để vận động người dân từ bỏ thói quen đi xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.

Có ý kiến cho rằng, thực hiện cấm xe máy, TP đang đẩy việc khó cho người dân?

- Mong muốn của TP là cái gì có lợi nhất cho xã hội thì làm chứ không phải vấn đề cá nhân. Chúng tôi hiểu rằng sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa. Nếu cứ mỗi người một xe, ra đường đông kín như vậy, ùn tắc bao giờ mới giải quyết được?

Thói quen sử dụng xe máy của người dân đã có từ nhiều năm trước, khi phải thay đổi sẽ khó tránh được những ý kiến trái chiều. Nhưng cần nhìn nhận công bằng, nếu bỏ đi hàng triệu xe máy, nguy cơ UTGT, ô nhiễm môi trường đối với khu vực nội thành sẽ được giải quyết về cơ bản. Chưa kể, chi phí xã hội đầu tư mấy triệu chiếc xe máy là con số khổng lồ, nếu đem số tiền đó đầu tư cho VTHKCC sẽ đạt hiệu quả vô cùng lớn.

Xin cảm ơn ông! 

Ngọc Hải/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan