|
Phát triển phương tiện công cộng được xem là giải pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí |
Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).
Một trong những nguyên nhân tác động chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao được nhận định là doviệc gia tăng phương tiện cá nhân với lượng phát thải chưa kiểm soát được khiến không khí trở nên ngột ngạt.
Số liệu thống kê cho thấy năm 2008, Hà Nội mới có hơn 2 triệu xe máy, đến nay số lượng này đã tăng lên gần 6 triệu xe. Bên cạnh đó, số lượng ôtô đã lên đến 600.000 xe chưa kể xe taxi, xe ngoại tỉnh.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, giải pháp phát triển phương tiện công cộng nhằm hạn chế xe cá nhân được thành phố đặc biệt chú trọng. Theo kế hoạch, trong năm 2019, Hà Nội sẽ hoàn thành việc mở mới khoảng 20 tuyến, sang năm 2020 tiếp tục mở mới từ 20 - 25 tuyến. Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch.
Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới xe buýt, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng đến đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện theo hướng sử dụng những phương tiện sạch, thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết:
“Trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục có kế hoạch đầu tư, thay mới phương tiện. Các phương tiện với các tiêu chuẩn Euro 4, và thậm chí đến năm 2021 là tiêu chuẩn Euro 5 theo tiêu chuẩn của chính phủ. Các phương tiện mới theo tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5 này sẽ là một đóng góp rất quan trọng cho việc cải thiện, giảm ô nhiễm môi trường”.
Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 60 xe buýt được đầu tư và thay mới cho 6 tuyến, các xe đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tính đến hết tháng 6/2019, số phương tiện toàn mạng là 1.928 xe, trong đó buýt trợ giá là 1.609 xe (với 50 xe sử dụng năng lượng sạch khí CNG và 282 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên). Số xe hoạt động trên 10 năm chỉ còn 204 xe (chiếm 12,6%), giảm 02% so với năm 2018.
Đáng chú ý, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới xe buýt ngang, tăng cường khảo sát để mở rộng thị trường, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt; phấn đấu đến năm 2021- 2025 sẽ đưa xe buýt điện vào hoạt động.
|
Lượng người sử dụng xe buýt điện ở khu vực trung tâm TP HCM hiện chủ yếu là đi tham quan, đến các điểm du lịch hoặc đi mua sắm. Ảnh: Người lao động |
Liên quan đến chủ trương này, GS.TS, NGƯT, Giảng viên Cao cấp trường ĐH GTVT Từ Sỹ Sùa cho rằng, phải hiểu đúng khái niệm về xe buýt điện. Thực tế, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã cho thí điểm xe buýt điện tại một số khu vực như Tp.HCM, tuy nhiên, loại hình xe này chỉ phục vụ hành khách trong không gian giới hạn với sức chứa từ 6 – 12 người. Loại xe này có ưu điểm là dùng năng lượng điện nên thân thiện với môi trường, nhưng bởi có sức chứa ít, nên không phát triển mạnh, mà chỉ phục vụ mục đích du lịch.
Theo GS TS Từ Sỹ Sùa, nguyên lý hoạt động của xe buýt nói chung hiện nay là phải có sức chứa lớn, phục vụ khối lượng hành khách lớn, có như vậy mới giảm được ùn tắc.
“Nếu mà xe buýt điện theo kiểu Tp.HCM là không được. Xe phải có sức chứa lớn, ít nhất cũng phải 60, 90, thậm chí còn hơn nữa là 100 chỗ. Lúc ấy mới giải quyết được vấn đề tắc đường. Vì nếu xe buýt nhỏ thì cũng giống như phương tiện cá nhân, làm sao giảm được tắc đường”.
GS TS Từ Sỹ Sùa cũng cho rằng không thể phủ nhận những ưu điểm mà phương tiện chạy bằng động cơ điện mang lại đối với môi trường, tuy nhiên, để đưa vào hoạt động hiệu quả, Hà Nội cần điều tra, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về loại phương tiện phù hợp cũng như chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, xây dựng luồng tuyến hợp lý, tránh chồng chéo.
Trước đó, vào năm 2009, Hà Nội cũng đã triển khai dự án sử dụng phương tiện giao thông sạch là ô tô điện phục vụ khách du lịch thăm quan khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Đến nay, loại hình vận tải này đang triển khai hiệu quả, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang mầu sắc riêng của Thủ đô Hà Nội.