Hệ thống cầu vượt và đường vành đai đã góp phần giảm tải ùn tắc giao thông (Ảnh Viết Thành)
Ngay sau khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính, dân số Thủ đô đã tăng lên gấp hơn 2 lần, trước những áp lực về quá trình gia tăng dân số, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đi đầu trong những năm qua. Từ đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã phát triển không ngừng qua các năm, được thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% đất đô thị/năm, theo đó năm 2010 (đạt 7%), năm 2015 (đạt 8,65%) đến năm 2017 (đạt khoảng 9,2%).
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, điểm nhấn trong xây dựng hạ tầng giao thông đó là các công trình giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Trong 10 năm qua, TP đã triển khai xây dựng, hoàn thành 3 cầu lớn qua sông Hồng (cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh); xây dựng mới 9 cầu vượt nhẹ trực thông tại các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn, tắc giao thông như cầu vượt nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng; cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Thái Hà; nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, Trần Khát Chân - Kim Ngưu, Cầu vượt nút trung tâm quận Long Biên, Cầu vượt nút giao thông Nam Hồng - huyện Đông Anh, cầu vượt nút giao Nguyễn Khoái, cầu vượt nút giao Cổ Linh; xây dựng mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh…
Hệ thống giao thông kết nối giữa trung tâm TP với các vùng ngoại vi bằng các tuyến đường vành đai, như đầu tư xây dựng hoàn thiện, khép kín đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục); mở rộng đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Sở, bao gồm cả đường trên cao); hoàn chỉnh, khép kín đường vành đai 2,5 (đoạn Trung Kính - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng - quốc lộ 1A) và vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, bao gồm cả đường trên cao). Hiện nay, TP chuẩn bị triển khai tuyến đường vành đai 4 phía Nam sông Hồng, đang kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP.
Đối với các trục hướng tâm quan trọng vào nội đô đều được nâng cấp, mở rộng, như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Ngọc Hồi - Giải Phóng, quốc lộ 6, đường trục phát triển kinh tế phía Nam. Cùng với đó là hệ thống giao thông liên tỉnh cũng thường xuyên được nâng cấp, mở rộng, như: nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Không chỉ phát triển mạnh về giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị cũng được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Trong 08 tuyến đường sắt đô thị khu vực đô thị trung tâm, Thành phố đang tập trung hoàn thành xây dựng 02 tuyến đường sắt đô thị: Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội (dự kiến khai thác sử dụng tuyến 2A trong năm 2018). Hiện đang có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 4, tuyến số 5.Dự kiến trong năm 2018, TP sẽ báo cáo Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị này để sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, sau 10 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính và 8 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hạ tầng giao thông đã có nhiều thay đổi, các tuyến đường giao thông đô thị được triển khai xây dựng đã góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng và giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị.
Doãn Thành