Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng, lắp mới khoảng 310 nhà chờ xe buýt với thiết kế đồng bộ, sản xuất hàng loạt, mẫu mã thân thiện, sử dụng vật liệu có độ bền cao, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu trong khu vực, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; mang thương hiệu của Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội; có hệ thống nguồn điện năng lượng mặt trời trên mái và pin lưu trữ phục vụ chiếu sáng khu vực nhà chờ và quảng cáo tại nhà chờ. Quy cách kỹ thuật theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về phương án tài chính, nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí để đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ các hạng mục công trình. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép kinh doanh quảng cáo trên các nhà chờ đã đầu tư (ngoại trừ phần diện tích phục vụ thông tin hoạt động xe buýt).
Transerco yêu cầu đơn vị hợp tác đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư (có bảo lãnh của ngân hàng); ưu tiên đơn vị có kinh nghiệm đầu tư khai thác quảng cáo trên các hệ thống hạ tầng giao thông công cộng.
Theo khảo sát hiện trạng, hiện có 71 tuyến xe buýt đi qua khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây (chiếm tỷ lệ 57% tổng chiều dài mạng lưới của thành phố), với 2.127 điểm dừng, trong đó có 23 điểm dừng có nhà chờ. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng ở khu vực ngoại thành khoảng 900m.
Từ thực trạng trên, Sở GTVT đã chủ trì phối hợp với các huyện và thị xã Sơn Tây tổ chức rà soát, kiểm tra thực tế từng điểm đón trả khách trên các tuyến để thống nhất các vị trí thích hợp có thể đầu tư nhà chờ.
Theo đó, vị trí được lựa chọn phải bảo đảm cự ly khoảng cách giữa các điểm đón trả khách; khu vực tập trung đông người tham gia dịch vụ; có đủ điều kiện mặt bằng để lắp đặt; thuận lợi cho người đi bộ tiếp cận nhà chờ và không ảnh hưởng đến các công trình kế cận.