Hà Nội: Người dân lỉnh kỉnh quay trở lại Hà Nội sau giãn cách xã hội

ĐỨC VIỆT
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau hơn 2 tháng nghỉ dịch do giãn cách xã hội, người dân các tỉnh nườm nượp đổ về cửa ngõ Thủ đô vào Trung tâm của Hà Nội.

Ha Noi: Nguoi dan linh kinh quay tro lai Ha Noi sau gian cach xa hoi - Hinh anh 1
Người dân các tỉnh quay trở lại Hà Nội làm việc sau thời gian giãn cách. 

Người dân các tỉnh đổ về cửa ngõ Hà Nội 

Ngày 23/9 ghi nhận của PV tại Chốt số 1 trên tuyến QL1A tuyến đường cửa ngõ của các tỉnh phía Nam các tỉnh như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tỉnh… TP Hồ Chí Minh về vào trung tâm Hà Nội. Theo ghi nhận trong sáng cùng ngày (23/9) tại Chốt số 1 trên QL1A lượng người từ lao động tự do, kinh doanh, công nhân kẹt lại Hà Nội, cũng như các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình… ra vào quay trở lại Hà Nội sau giãn cách đông lên đáng kể.

Theo người dân, sau hơn 2 tháng nghỉ dịch vì Hà Nội giãn cách xã hội hôm nay họ mới bắt đầu trở lại Thủ đô và mang theo rất nhiều lương thực như gạo, thịt, rau, gà... Tất cả những người qua chốt đều được kiểm tra một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Chở vợ cùng hai con vượt quãng đường dài hơn 100km, anh Phạm Văn Bằng (31 tuổi, quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cho biết, thời gian qua do dịch bệnh ảnh hưởng nên anh chị phải nghỉ việc. Để giảm chi phí cả gia đình quyết định về quê. Đến nay sau hơn 2 tháng vợ chồng anh quyết định quay trở về Hà Nội để bắt đầu lại công việc.

“Tôi thuê nhà hơn 3 triệu đồng/tháng ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Ở quê khó khăn, công việc không có nên vợ chồng tôi lên Hà Nội làm ăn. Ban đầu vợ chồng tôi cũng tính toán gửi con ở quê cho ông bà rồi cho con học ở quê luôn. Thế nhưng vì nhớ và thương con nên quyết định đưa các cháu theo bố mẹ. Trời nay nắng gắt, lo và thương con lắm nhưng vì công việc hoàn cảnh bắt buộc phải đi xe máy lên”, anh Bằng chia sẻ.

Hơn 7h sáng vợ chồng chị Phạm Thị Huyền My (26 tuổi, ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) có con trai 10 tháng tuổi và bé lớn 3 tuổi quyết định đi xe máy từ quê lên Hà Nội. Chị My kinh doanh cơm phở tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Cách đây hơn 2 tháng khi hàng quán có lệnh đóng cửa phòng dịch Covid-19 vợ chồng chị đã đưa nhau về quê sống.

“Cả nhà tôi về được ít ngày thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ở nhà nhiều tâm trạng tôi cũng sốt ruột vì không có công ăn việc làm nhưng dịch không còn cách nào. Nay thông tin Hà Nội nới lỏng giãn cách cả nhà quyết định đi xe máy lên Hà Nội vì xe khách vẫn đang tạm dừng hoạt động”, chị My chia sẻ.

Đến chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô chồng chị My vào khai báo y tế, còn chị ôm con trai 10 tháng tuổi và con lớn đứng cạnh lều trực tránh nóng. 

“Thương các con lắm vì trời nắng nóng, đi đường đoạn thì sóc, đoạn thì bụi nhưng phải chấp nhận chứ không biết làm sao. Giờ tôi mong sao đưa con về đến nơi an toàn. Thời gian qua nghỉ dịch nên tiền thuê nhà mỗi tháng 5 triệu tôi cũng được chủ nhà giảm cho một ít”, chị My nói. 

Còn với vợ chồng anh Hồ Quốc Pháp (30 tuổi, trọ ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã quyết định đưa con 2 tuổi về quê nhà ở Nghệ An một thời gian. Anh Pháp vốn là giáo viên dạy tiếng Nhật. Do dịch bệnh, công việc của anh Pháp bị ảnh hưởng phải nghỉ ở nhà nhiều tháng nay. Ngay từ 6h sáng cả hai vợ chồng bắt đầu chở con gái bằng xe máy Từ Hà Nội về quê với quãng đường dài khoảng 250km. Vì quá mệt bé Quỳnh Chi ngủ thiếp trên tay cha mẹ.

“Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Thời gian vừa qua giãn cách xã hội, không có công việc vợ chồng muốn về quê cũng không được. Cuộc sống khó khăn vì thế nên vợ chồng phải về quê. Khi nào dịch tạm ổn chồng tôi sẽ ra đi làm còn tôi sẽ ở quê chăm sóc và cho con đi học”, chị Tú Anh (vợ anh Pháp) chia sẻ.

Sau khi khai báo y tế và trình giấy xét nghiệm cho lực lượng chốt trực, vợ chồng anh Pháp chở con gái tiếp tục hành trình dài. Anh cho biết, trời nắng chở con nhỏ nên đi khi nào thấy mệt dừng xe nghỉ một chút lấy sức rồi đi tiếp.


Một số cán bộ tại chốt cho biết, điều kiện để người dân từ các tỉnh không bị giãn cách xã hội (áp dụng Chỉ thị 16) có thể vào Thủ đô là phải có "Giấy xác nhận" của địa phương kèm theo phiếu xét nghiệm Covid-19. Sau khi qua chốt, người dân sẽ phải khai báo y tế qua điện thoại di động hoặc khai bằng tay. Có trường hợp chưa có phiếu xét nghiệm đã phải quay lại cơ sở y tế để làm.

Ha Noi: Nguoi dan linh kinh quay tro lai Ha Noi sau gian cach xa hoi - Hinh anh 2
Tất cả các trường hợp qua chốt ra vào Hà Nội đều phải khai báo y tế và được kiểm tra kỹ lưỡng.  

Kiểm soát chặt đảm bảo chống lây lan dịch bệnh Covid-19

Trực tiếp chỉ huy tổ công tác trên QL1A, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phụ trách chốt số 1 thông tin, sau Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội người dân từ các tỉnh phía Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đa phần người dân đã tìm hiểu các qui định trước khi đi. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa tìm hiểu kỹ, khi qua chốt vẫn thiếu một số giấy tờ. “Tất cả các trường hợp qua chốt số 1 ra vào Hà Nội đều phải khai báo y tế và có giấy xác nhận của địa phương, công ty, doanh nghiệp do người đứng đầu ký xuất trình là được qua chốt” - Trung tá Nguyễn Tuấn Cường thông tin và cho biết: qua kiểm soát tại chốt số 1, nhiều công nhân cho biết, một số khu công nghiệp tại tỉnh Hà Nam đã áp dụng việc 3 tại chỗ nên lượng công nhân khu vực lân cận qua chốt vắng hơn nhưng lại có người từ các tỉnh đổ về vào Thủ đô làm việc đông hơn, sau khi Hà Nội điều chỉnh việc giãn cách xã hội.

Còn theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), chỉ huy ca công tác chốt số 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thông tin, đối với người từ vùng đỏ về qua chốt số 2 những người đi cùng phải có xét nghiêm PCR âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực. “Chốt 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường chính, tuy nhiên rất ít những trường hợp người từ vùng đỏ qua đây để đi cấp cứu, mà chủ yếu người dân từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá… lưu thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về Hà Nội để đi cấp cứu” - Trung tá Nguyễn Anh Tuấn nói và khuyến cáo: Người dân từ các tỉnh, cũng như trường hợp đưa người nhà đi cấp cứu cần xem thông tin trên các phương tiện đại chúng để cập nhật, chuẩn bị đủ giấy tờ, khi vào Hà Nội sẽ nhanh chóng qua chốt, không phải quay đâu đảm bảo đúng qui định phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Trao đổi với PV, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 22 của UBND TP Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu người dân ở trong Thủ đô thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. “Tại 22 chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ Thủ đô Hà Nội lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm soát người dân ra vào đảm bảo việc phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn” - Đại tá Dương Đức Hải thông tin và chia sẻ: quá trình làm nhiệm vụ tại 22 chốt cửa ngõ ra vào Hà Nội, lực lượng chức năng vấn tiến hành kiểm soát chặt phương tiện ra vào, cũng như người được ra vào theo qui định. 

Đại tá Dương Đức Hải thông tin thêm, tại 22 chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ Thủ đô phải đảm bảo đủ các điều kiện theo Công văn hướng dẫn 2434 ngày 29/7 của UBND TP Hà Nội mới được phép đi lại, để làm sao người dân ra vào TP đúng theo qui định.

Tin liên quan