|
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một bến tập kết vật liệu xây dựng hoạt động không phép ven sông Hồng tại huyện Thường Tín. |
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 88/NQ-CP thuộc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 10/2/2022. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện đa dạng hóa các hình thức thông tin như tổ chức hội nghị, hội thảo, qua báo chí và hệ thống thông tin cơ sở.
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, UBND Thành phố giao trách nhiệm cho các đơn vị có chức năng phối hợp thực hiện. Trong đó, Sở TN&MT là cơ quan thường trực, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Kế hoạch. Cụ thể, giao Sở TN&MT phổ biến, quán triệt toàn bộ nội dung Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đến các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố. Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND quận, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép. Tham mưu UBND Thành phố thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản nếu phát hiện vi phạm quy định của pháp luật.
Phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho UBND Thành phố tham gia góp ý với Bộ TN&MT hoàn thành Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định bất cập về địa chất, khoáng sản quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và hoàn thành cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tiến độ chuyển đổi số với ngành khoáng sản, địa chất. Đồng thời, hỗ trợ tham mưu UBND thành phố tham gia góp ý với Bộ TN&MT lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ như Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Thống kê, kiểm kê nguồn lực tài nguyên khoáng sản trong phạm vi cả nước; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát báo cáo UBND thành phố xem xét điều chỉnh bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư, xây dựng, thiết kế, công tác nghiệm thu... đối với công trình mỏ khai thác khoáng sản thuộc nhóm trách nhiệm quản lý của cơ quan cấp tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm dự báo nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố cũng như tham mưu cho UBND thành phố tham gia góp ý với Bộ Xây dựng đối với các nhiệm vụ: lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; Hoàn thiện chính sách xuất, nhập khẩu và dự trữ khoáng sản bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt và dự trữ lâu dài.
Các đơn vị Sở Công Thương, Sở Tài Chính, Sở Thông tin & Truyền Thông, Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng chuyên môn được giao.
UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, chủ động lập kế hoạch, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ khoáng sản. Huy động và chỉ đạo phối hợp với các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn, giải tỏa, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép theo thẩm quyền.