|
Một trường hợp tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, thấy lực lượng CSGT quay xe bỏ chạy. |
Theo báo cáo, trong năm 2020 và năm 2021, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên lưu lượng người tham gia giao thông giảm đáng kể, dẫn đến số liệu xử lý vi phạm nói chung và vi phạm về mũ bảo hiểm giảm so với các năm trước liền kề.
Tuy nhiên, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện hoặc sử dụng các loại mũ không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chỉ mang tính chất đối phó đối với các lực lượng chức năng; học sinh, sinh viên điều khiển xe mô tô, xe gần máy, xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm; phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con, em khi tham gia giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến.
Từ ngày 19/01/2018 đến ngày 30/9/2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4.235 vụ tai nạn giao thông, làm 1.750 người chết, làm bị thương 2.810 người. Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm quy định về mũ bảo hiểm (nạn nhân không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng) xảy ra 431 vụ, làm 203 người chết, 156 người bị thương.
Các vi phạm về mũ bảo hiểm thường diễn ra tại các tuyến đường nhỏ, đường ngõ, đường liên thôn, liên xã; nhiều trường hợp vi phạm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra sẵn sàng quay đầu xe bỏ chạy hoặc đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng,... gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng, cho bản thân và người tham gia giao thông.
Tình trạng vi phạm về đội mũ bảo hiểm trong các giờ cao điểm còn diễn biến phức tạp khi các lực lượng chức năng tập trung làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, phân luồng, chống ùn, tắc giao thông nên công tác kiếm tra xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông còn thấp (đối với các đối tượng học sinh phạt không quá 1/2 mức phạt), chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung. Công tác quản lý, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của các nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, còn tình trạng phụ huynh học sinh nuông chiều, dung túng cho con, em sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định dẫn đến tình trạng "nhờn luật", coi thường pháp luật trong một bộ phận thanh, thiếu niên.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc sản xuất, kinh doanh, an toàn kỹ thuật mũ bảo hiểm nói chung, dẫn đến tình trạng các cơ sở kinh doanh, sản xuất, "mũ bảo hiểm thời trang" cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục phối hợp với Công ty Honda Việt Nam triển khai Chương trình trao tặng Mũ bảo hiểm với chủ đề “Giữ trọn ước mơ" cho học sinh bước vào lớp 1 trên phạm vi toàn quốc và địa bàn thành phố Hà Nội.
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người tham gia giao thông vi phạm các quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Ngoài ra, TP cũng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu nâng cấp hệ thống dữ liệu xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông kết nối đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện ....