Hà Nội tổ chức lại vận tải liên tỉnh, hành khách đi xe cần làm gì?

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội tổ chức lại vận tải hành khách liên tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.

Sở GTVT TP Hà Nội vừa có Văn bản số 1784/KH-SGTVT về việc tổ chức tạm thời hoạt động vận tải hành khách các tuyến cố định liên tỉnh trong tình hình mới.

Việc từng bước khôi phục lại vận tải hành khách tuyến cố định, bằng ô tô liên tỉnh phù hợp với công tác phòng chống dịch Covid-19; tạo điều kiện vận chuyển hành khách, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.

Đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ giữa Bộ GTVT, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đảm bảo không ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19.

 Ha Noi to chuc lai van tai lien tinh, hanh khach di xe can lam gi? - Hinh anh 1
Sở GTVT TP Hà Nội vừa có Văn bản số 1784/KH-SGTVT về việc tổ chức tạm thời hoạt động vận tải hành khách các tuyến cố định liên tỉnh trong tình hình mới. 

Đối với hành khách, Sở GTVT TP Hà Nội yêu cầu đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô

Hành khách cần tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...).

Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin theo quy định của Bộ Y tế khi đi cùng người thân trên chuyến xe cần có Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

Hành khách trong trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe Sở GTVT yêu cầu đã tiêm đủ liều vắc xin có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô.

Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế; khi chuẩn bị hết thời hạn của giấy xét nghiệm, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đến cơ sở y tế hoặc bến xe, trạm dừng nghỉ, chốt kiểm soát dịch gần nhất trên hành trình để thực hiện xét nghiệm SARSCOV-2 theo đúng quy định trước khi tiếp tục hành trình.

Sau chuyến đi trường hợp lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện nhiều vòng chuyến và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARSCOV 2 còn hiệu lực thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi, tuân thủ “Thông điệp 5K”, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến đi tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Nếu lái, phụ xe cư trú tại địa phương, được về nhà, tuân thủ “Thông điệp 5K”, tự theo dõi sức khỏe tại nhà cho đến chuyến đi tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định; nếu lưu trú tạm thời thì đơn vị vận tải phối hợp với địa phương bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu bến xe xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; bố trí vị trí để lực lượng chức năng tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 kháng nguyên nhanh; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng.

Trong trường hợp phát hiện lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách, người làm việc tại bến xe, trạm dừng nghỉ có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi... phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.

 

Tin liên quan