Hà Nội triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Để bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, TP Hà Nội triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3522/UBND-DT về việc triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ.

Cụ thể, về hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, UBND TP yêu cầu triển khai thí điểm theo Quy định tạm thời của Bộ GTVT từ ngày 13/10/2021. Kế hoạch chạy tàu thời điểm hiện nay có 2 tuyến đi và đến Hà Nội, gồm: Tuyến Hải Phòng - Hà Nội Tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội (các tuyến khác theo lộ trình thí điểm của Bộ GTVT).

Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh thí điểm theo Quy định tạm thời của Bộ GTVT từ ngày 13/10, cụ thể: Phối hợp thống nhất với các tỉnh/thành phố để tổ chức các tuyến đi/đến: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La với số chuyến bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được công bố.

Ha Noi trien khai theo lo trinh thi diem hoat dong van tai hanh khach - Hinh anh 1
Về hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ, UBND TP yêu cầu triển khai thí điểm theo Quy định tạm thời của Bộ GTVT từ ngày 13/10/2021.  

Về hoạt động vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng xe buýt, taxi trên địa bàn Thành phố UBND TP giao Sở GTVT hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ, quy định và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 13/10/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố.

Đồng thời, UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an Thành phố và cơ quan chức năng trực thuộc Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh, thành phố có liên quan để triển khai theo lộ trình thực hiện từng bước hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng đường sắt, đường bộ liên tỉnh đảm bảo an toàn phòng chống dịch; thường xuyên nắm bắt thông tin các chuyến vận chuyển hành khách đến Hà Nội để phối hợp giám sát công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan để hướng dẫn đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý, khai thác bến xe, ga tàu triển khai quy trình tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT và Thành phố về theo dõi y tế.

UBND TP giao Sở Y tế là đầu mối phối hợp tiếp nhận thông tin hành khách để tổ chức theo dõi y tế hành khách đến Hà Nội theo quy định; phối hợp kiểm soát dịch tễ tại nhà ga, bến xe để sàng lọc, phân loại, thông tin cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn biết, theo dõi y tế theo quy định. Hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, cấp xã theo dõi y tế tại nhà/nơi lưu trú theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, kịp thời xử lý dịch bệnh theo quy định.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn: theo dõi y tế người về địa phương theo quy định, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương.

UBND TP Hà Nội yêu cầu công an Thành phố Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động vận chuyển hành khách đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19; phối hợp với công an các tỉnh, thành phố khác có liên quan để thực hiện giám sát phương tiện vận chuyển hành khách và công dân di chuyển giữa các vùng nguy cơ kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19, để hỗ trợ theo dõi y tế qua các ứng dụng (PC-Covid, khai báo di chuyển nội địa, quét mã QR...) tại các địa điểm, phương tiện.

UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an Thành phố, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị có | liên quan chủ động nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh; tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền; báo cáo Bộ GTVT xem xét bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và tình hình thực tiễn công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn tiếp theo.

Tin liên quan