Chiều 18/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ UBND TP Ngô Văn Quý.
Đảm bảo và duy trì đầy đủ nhân lực, trang thiết bị phòng chống dịch
Tại phiên họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, trong ngày 18/3/2020 (tính đến thời điểm 15h00) Việt Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc,1 trường hợp tại Ninh Thuận và 1 trường hợp tại Đà Nẵng.
Cộng dồn đến 15h00’ ngày 18/3/2020 có 68 người bị nhiễm COVID-19. Trong đó, Hà Nội (15); Vĩnh Phúc (11); TP Hồ Chí Minh (11); Bình Thuận (09); Quảng Ninh (06); Đà Nẵng (04); Quảng Nam (03); Huế (02); Lào Cai (02); Ninh Thuận (02); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01); Ninh Bình (01). Đã điều trị khỏi 16/68 trường hợp; 52 trường hợp dương tính đang điều trị tại Bệnh viện.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo
|
Tại Hà Nội, đến 15h00 ngày 18/3/2020, Hà Nội đã ghi nhận 15 trường hợp dương tính, chưa có trường hợp tử vong. Phân theo quận/huyện: Ba Đình (08), Hoàn Kiếm (02), Long Biên (02), Cầu Giấy (02), và 1 trường hợp quá cảnh (Transit) tại sân bay Nội Bài.
Sở Y tế nhận định, hiện nay dịch bệnh đang lan rộng ra các nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu, Trung Đông, Mỹ và một số nước khu vực Đông Nam Á với số ca mắc và tử vong đều tăng. Từ ngày 15/3/2020 Việt Nam chưa áp dụng cách ly hành khách nhập cảnh với một số nước, vì vậy vẫn còn những hành khách từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Hà Nội chưa qua 14 ngày có nguy cơ nhiễm bệnh, đây là nguồn lây truyền cao cho cộng đồng trong thời gian tới.
Đến nay tất cả các ca bệnh ghi nhận tại Việt Nam đều được xác minh rõ nguồn gốc, tuy nhiên việc xác định các trường hợp có liên quan còn gặp khó khăn và có thể chưa được triệt để (do người bệnh chưa khai báo hết) nên nguy cơ có thể xuất hiện những ca bệnh mới từ những đối tượng này.
Thời gian tới, TP tiếp tục thực hiện triển khai quyết liệt đồng bộ các nhóm giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh dịch COVID-19, chủ động khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, tự giác thực hiện cách ly khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Tuyên truyền vận động người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, cách ly, điều tra khoanh vùng xử lý khi phát hiện các ca nghi ngờ và ca bệnh.
Làm tốt công tác xác minh để nắm rõ tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc với bệnh nhân. Tổ chức khai báo y tế bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua Sân bay quốc tế Nội Bài sau đó chuyển tới các khu cách ly tập trung theo quy định.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn, đặc biệt tại các khu vực đã xuất hiện ca bệnh, khu vực có người tiếp xúc với ca bệnh... và các khu vực công cộng như như bến tàu, xe, chung cư, trường học...
Đảm bảo và duy trì đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch. Tiếp tục rà soát để bổ sung trang thiết bị, hóa chất, vật tư, thuốc sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng.
5 đoàn của Thành ủy tiếp tục kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của các quận, huyện, thị xã. Thành phố chỉ đạo chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo nguồn dự phòng sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống.
Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho những người về cách ly tập trung
Tại phiên họp, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, chăm sóc, cách ly, sàng lọc y tế ở các cụm cách ly của TP và các tỉnh lân cận, tính đến 17h ngày 18/3 đã vận chuyển 799 công dân trên địa bàn TP và các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa... dự kiến trong ngày hôm nay sẽ vận chuyển tiếp 500-700 công dân, đưa về các nơi tập trung theo quy định. Tổng số tích lũy cách ly tại địa bàn cho đến ngày 18/3 là 4.135 công dân, số đang cách ly trên địa bàn là 2.369 công dân.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến chiều 18/3
|
Ngay trong ngày 17/3, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức 3 khu vực sẵn sàng cho cách ly tập trung, trong đó Khu Nhà ở sinh viên ở Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai với 4.500 chỗ; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, quận Nam Từ Liêm với 850 chỗ; Trung tâm dạy nhề Thành An thuộc Binh đoàn 11 với 850 chỗ; Thanh Trì.
Phó Giám đốc Công an TP, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng cho biết, công an nắm tình hình, xử lý hành vi đưa tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận, liên quan đến thành lập các khu cách ly tập trung.
Sở Du lịch cho biết có 7 cơ sở lưu trú đăng ký làm nơi cách ly tập trung với khả năng cách ly được 1.308 người, góp phần giảm tải cho những nơi cách ly tập trung. Những cơ sở này đề nghị cần sớm có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp cách ly tại các cơ sở lưu trú như phương tiện vận chuyển, quy trình tiếp nhận người cách ly…
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết: hiện có 4.010 khách du lịch trên địa bàn quận; Còn 403 trường hợp cách ly, đều có sức khỏe bình thường. Quận đã yêu cầu các cơ sở lưu trú hỗ trợ khách nước ngoài, không kỳ thị khách du lịch nước ngoài. Tập trung rà soát để bổ sung trang thiết bị, nguồn nhân lực để ứng phó với tình huống xấu.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình thông tin, gần đây có trường hợp tại địa chỉ 19 Chu Văn An có biểu hiện sốt, quận đã kịp thời đưa đi cách ly tại bệnh viện, tổ chức phun khử khuẩn tại khu vực nhà người này, điều tra dịch tễ người lái xe taxi chở trường hợp này từ bệnh viện về.
Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết có 1 ca nghi ngờ ở Trung Hòa, có triệu chứng ho trong 10 ngày, đi từ Đức về, có tiếp xúc với một số người trong gia đình.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, trong thời gian qua, quận tập trung đảm bảo công tác tuyên truyền, tổ chức cách ly và làm công tác khử khuẩn. Đến nay có 939 trường hợp cách ly. Tất cả các hoạt động tôn giáo, các cơ sở kinh doanh bar, karaoke đều tạm dừng hoạt động.
Về khu cách ly tại Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận đã xuống tuyên truyền với người dân tại khu vực này rằng đây chỉ là cách ly cộng đồng người nước ngoài, không phải là những trường hợp tiếp xúc với người dương tính với Covid-19. Quận đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho những người về cách ly tại đây.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, quận đã vận động một số gia đình định tổ chức đám cưới thì nên tạm hoãn, chỉ tổ chức báo hỉ hoặc giảm quy mô mời khách, có gia đình giảm từ 200 mâm cỗ cưới xuống còn 5 mâm.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết số người từ vùng dịch về sẽ nhiều, số ca nhiễm tăng lên dự báo có thể tiếp tục xuất hiện thêm. Các quận huyện phối hợp với ngành y tế tiếp tục rà soát kỹ danh sách những người từ F1-F3; chuẩn bị các điều kiện vật chất để tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Học sinh Hà Nội nghỉ đến 5/4
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay rất phức tạp, những nước có dịch bệnh lây lan nhanh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có số ca nhiễm giảm xuống sau 12 tuần. Từ khi Việt Nam phát hiện ca thứ 17 (ngày 6/3), nếu theo đúng kịch bản diễn biến dịch bệnh như các nước trên, chúng ta mới bước sang tuần thứ 2.
"Con đường phía trước còn rất dài. Nếu không định hình lại các nhiệm vụ, chúng ta sẽ mất rất nhiều công sức và vật lực, thậm chí không đủ sức cho những thời gian tiếp theo", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Ở giai đoạn 2 (từ 6/3-PV), chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguồn lây nhiễm từ các quốc gia. Chỉ cần lọt một trường hợp, sẽ kéo theo rất nhiều trường hợp lây nhiễm chéo, như trường hợp an ninh ở sân bay Nội Bài hay tại Bình Thuận.
“Nếu như kịch bản diễn biến dịch như Trung Quốc Hàn Quốc, chúng ta sẽ phải chiến đấu với dịch bệnh khoảng 10 tuần nữa” – Chủ tịch UBND TP nói.
Từ nay cho đến ngày 3/4 sẽ là thời gian cao điểm bởi đây là khoảng thời gian để ta xác định được các ca bệnh từ các chuyến bay các nước về Hà Nội.
Hiện nay, các nhà khoa học các nước công bố nghiên cứu rộng rãi. Trong đó đáng lưu ý là virus Sars-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao; virus này ảnh hưởng không đồng đều, tác động khác nhau ở các độ tuổi khác nhau, trong đó tỷ lệ tử vong người ở trên 60 tuổi cao hơn những độ tuổi khác. Thời gian ủ bệnh chưa thể kết luận được vì từng trường hợp khác nhau lại có thời gian ủ bệnh khác nhau, lâu nhất là 39 ngày.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận huyện thường xuyên cập nhật để so sánh các biện pháp đang thực hiện với tình hình thực tiễn, nếu có biện pháp không còn phù hợp thì mạnh dạn loại bỏ, điển hình như không phải rà soát đến trường hợp tiếp xúc F4.
Chủ tịch UBND TP xác định: Nguồn lây nhiễm chính đối với TP hiện nay là từ nước ngoài. Thứ hai là từ những trường hợp du học sinh trở về, các du khách nước ngoài đã đến Hà Nội từ ngày 3-6/3. Nguồn thứ ba là các cán bộ đang làm nhiệm vụ, tiếp xúc gần với công dân đang tổ chức cách ly.
Xác định các nhiệm vụ sẽ vất vả và tăng lên, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện cần nhanh chóng xác định lại nguồn lực, cơ sở vật chất. Trên cơ sở kế hoạch, kịch bản mà TP đã đưa ra, các quận huyện cần phân công nhiệm vụ hợp lý.
Cụ thể, cần phát hiện tổ chức cách ly nhanh chóng. Tập trung phát hiện từ những người dân có biểu hiện ho, sốt, vận chuyển người này bằng các phương tiện y tế. Yêu cầu khai báo y tế và cách ly tại nhà đối với những người đi nước ngoài về.
“Tiếp tục xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm” – Chủ tịch UBND TP nói. Các cơ sở y tế phải đào tạo nguồn lực có khả năng lấy mẫu, để có lấy được 1.500 đến 3.000 mẫu/ngày. Nếu vậy phải có được ít nhất là 800 cán bộ.
Bên cạnh đó, có các biện pháp mạnh mẽ trong giám sát cộng đồng về việc tổ chức cách ly. Tổ dân phố tăng cường tuyên tuyền công dân tự giác khai báo. Các đội cơ động phải trực 24/24, khi có thông tin của người dân là phải triển khai nhiệm vụ ngay.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho biết: Hằng ngày, TP đang tiếp nhận 600-800, 1.000 người dân về nước. Có thể, TP sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người về nước trong những ngày tới. Vì vậy, Hà Nội quyết định tổ chức cách ly tập trung để phòng ngừa.
Những trường hợp cần phải cách ly là những người từ nước ngoài tại các khu tập trung; cách ly F1 tại bệnh viện; cách ly F2 tại nhà. TP sẽ kích hoạt giám sát cộng đồng bằng GPS để giám sát tại nơi ở.
Ngoài ra, đối với những người là người nước ngoài đã nhập cảnh mà là trường hợp F1; cán bộ ngoại giao, các khách sạn đã cam kết bố trí khoảng 1.500 – 2.000 chỗ cho những người này. Còn các trường hợp cách ly để chữa bệnh đều tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh). TP đã chuẩn bị 6 bệnh viện cấp TP để hỗ trợ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, với diễn biễn dịch bệnh của 1 tuần qua, TP phải có những đánh giá mới, để đưa ra những phương án giải pháp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới khung học do Bộ Giáo dục ban hành. Trần nghỉ học của sinh THPT đến ngày 5/4, thì kết thúc vào giữa tháng 8. Khung học này rất có thể lại bị nhỡ một lần nữa.
Hà Nội quyết định cho tất cả học sinh các cấp học trên toàn TP nghỉ đến ngày 5/4, theo trần của Bộ GDĐT đưa ra. Sau ngày 5/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, lãnh đạo TP Hà Nội sẽ quyết định lại lịch học.
“Như hiện nay, học sinh THPT cũng không thể đi học vào ngày 22/3 được. Do vậy, Chủ tịch giao Sở GDĐT báo cáo Bộ chương trình dạy học cho phù hợp. Trường hợp suôn sẻ, ngày 5/4 đi học lại thì chúng ta cũng sẵn sàng. Nhưng trường hợp xấu, không đi học được thì phải tính toán các bài giảng trên truyền hình cho phù hợp”, Chủ tịch nói thêm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GDĐT xây dựng chương trình dạy học trên truyền hình phù hợp với từng môn. Theo đó, với những môn nào phù hợp thì sẽ dạy trên truyền hình; những môn học còn lại, học sinh sẽ đến trường học khi có điều kiện.
“Có phụ huynh nhắn với tôi rằng, thậm chí cho các cháu đúp cũng được, cho an toàn”, Chủ tịch nói và đề nghị các trường dạy nghề cho học viên nghỉ học từ ngày mai, nếu có điều kiện thì học viên về quê, còn không thì ở tại nơi cư trú không di chuyển.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị phụ hình có con em từ các nước trên thế giới về thì nên cách ly tại nhà, không ra ngoài.
Đề nghị các cán bộ công chức, viên chức đi làm việc phải thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, nếu có biểu hiện bệnh thì phải nghỉ làm. Các công ty nếu có điều kiện thì làm việc trực tuyến.
Nhấn mạnh về tinh thần, ý thức tự giác của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khuyến cáo từ giờ đến 31/3, người dân nên ở nhà, tránh đi ra ngoài và sinh hoạt đông người. Đồng thời, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế đã hướng dẫn; hạn chế tối đa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Chủ tịch UBND TP khẳng định TP đang chủ động và kiểm soát tốt lượng người nhập cảnh, những trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo.